A series of articles on “Technology in Medicine” - Part 36

 

Tuyến và những thành phần khác trong não bộ

 

Trần Trí Năng
 

 

Não bộ đóng vai trò tất yếu trong việc kiểm soát các hoạt động của cơ thể con người. Trong hai bài viết trước, chúng tôi đã thảo luận về cơ cấu cơ bản và và những thùy chính của não bộ [1,2]. Trong bài viết này, chúng tôi xin giới thiệu về các tuyến và những thành phần quan trọng khác trong bộ não.  

1. Cấu tạo của não trái và não phải

Não điều  hành trực tiếp năm giác quan trong cơ thể con người. Một thí dụ về các hoạt động của não bộ như kỹ năng nhìn thấy, nghe, nói và tư duy được biểu hiện bằng hình chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) ở Hình 1.  

Hình 1 Hình chụp cộng hưởng từ chức năng (fMRI) liên quan đến một số hoạt động của não bộ như thấy, nghe, nói và tư duy (Google Images). 

Não có ba phần chính: đại não, trung não và tiểu não.

Đại não có hai bán cầu não: bán cầu trái và bán cầu phải (Hình 2). Hai bán cầu não này được kết nối và liên lạc với nhau bằng một bó sợi gọi là tiêu thể trải dài ở rãnh dọc với năm sợi mép. Lớn nhất trong số đó là thể chai (corpus collosium) có chức năng truyền thông điệp từ  bán cầu não bên này sang bán cầu não bên kia. Mặc dù chưa có một kết luận nào nhất định trong cộng đồng khoa học, phần lớn các nhà khoa học cho rằng bán cầu não trái kiểm soát giọng nói, khả năng phân tích và lý luận; trong khi đó bán cầu não phải kiểm soát khả năng sáng tạo, thông tin thị giác, không gian, nghệ thuật và kỹ năng về âm nhạc.        

Hình 2. Bán cầu não bên trái và bán cầu não bên phải với các vùng chức năng:suy lý phức tạp, động cơ, cảm giác, cảm giác semato/cảm nhận về xúc giác, thình giác và thị giác. Bằng cách xoay hình bên trái 180 độ theo hướng nhìn của con người trong hình, và dùng hình dạng hột walnut ở hình bên phải để tham khảo, chúng ta có thể thấy phần nhỏ của não nằm ở mặt trước (nơi trán trước) và phần lớn ở mặt phía sau của não.  

2. Một số thành phần và số tuyến khác trong não bộ

Mỗi bán cầu não được chia thành bốn thùy chính dựa theo vị trí của chúng dưới xương sọ: thùy trán, thùy đỉnh, thùy thái dương và thùy chẩm [2]. Mặc dù những thùy này có một số chức năng riêng biệt nhưng chúng thường có ảnh hưởng và tác dụng hổ tương cho nhau.  

 

 Hình 3. Từ trên xuống dưới và từ trái sang phải, chúng ta thấy: đại não (cerebrum), não thất (ventriches), vùng đồi trước (hypothalamus), tuyến yên (pituitary gland), não giữa/trung não (midbrain)  cầu não (pons), hành não hay hành tủy (medulla hay medulla blongata), thể chai (corpus collosium), vùng đồi thị (thalamus), tiểu não (cerebellum), não sau (hindbrain) và thân não (brain stem) [3].  

Dùng Hình 3 và Hình 4 để tham khảo, chúng ta hãy cùng khảo sát vị trí và chức năng của những thành phần chính của não:  

Đại não (cerebrum): phần ngoài cùng là vỏ đại não (cerebral cortex).

Tiểu não (cerebellum): hầu hết một nửa tế bào thần kinh nằm ở đây.

Thân não (brain stem): kiểm soát nhịp đập tim, hơi thở, giấc ngủ và động tác nuốt thức ăn.

Trung não (midbrain): tham gia điều khiển các cử động mắt. 

2.1 Hệ thống viền (limbic system)

Hệ thống viền nằm dưới vỏ não, và là trung tâm của cảm xúc, học tập và trí nhớ. Như được biểu hiện ở Hình 3 (bên trái), hệ viền bao gồm: vùng đồi thị (thalamus), vùng hạ đồi (hypothalamus), hạch hạnh nhân (amygdala) và hồi hải mã (hippocampus).

Ngoài ra, hệ thống viền có chứa mạch thưởng của não (the brain’s reward circuit). Mạch này tiết ra chất dopamine, cho chúng ta sự thoải mái và có tác dụng ảnh hưởng đến những hoạt động hàng ngày của chúng ta như ăn uống, gặp gỡ bạn bè hay thương yêu.  

2.1.1  Vùng đồi thị (thalamus)

Nằm ở trung tâm của não bộ. Vùng đồi thị đóng vai trò như một trạm chuyển tiếp cho hầu hết các thông tin nhận và gửi đi đến vỏ não.

Vùng này chuyển tiếp những thông tin về cảm xúc và động tác đến vỏ não và góp phần vào những hoạt động có liên quan đến đến cảm giác đau, sự chú ý, ý thức, giấc ngủ, độ tỉnh táo và trí nhớ..

2.1.2  Vùng hạ đồi (hypothalamus),  

Đánh thức chúng ta dậy mỗi buổi sáng. Điều khiển thân nhiệt, đói, khát.

Vùng này cung cấp chất kích thích tố adrenaline (hay còn gọi epinephrine) luân lưu trong cơ thể khi có những hoạt động cần sự chú tâm  như thi cử hay tranh tài trong  một trò chơi thể thao.  

2.1.3 Hạch hạnh nhân (amygdala)

Phản ứng và chế ngự sự cảm xúc và sợ hải. Hạch này còn đóng vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát và điều chỉnh sự lo lắng của con người. 

2.1.4 Hồi hải mã (hippocampus)

Nằm ở thùy thái dương (temporal lobe). Có hình thù như con hải mã (Hình 4, bên phải). Hồi này vận hành như một “mục lục trí nhớ “ (memory indexer): gửi tín hiệu đến một số bộ phận để tàn trử trong não bộ và để  truy tìm trở lại khi có sự cần thiết sau này.  

 

Hình 4.

Hình  bên trái: Bằng cách cắt tiểu não làm hai, chúng ta có thể nhìn thấy được cấu tạo dưới vỏ não (subcortical structures): vỏ đại não (cerebral cortex), thể chai (corpus callosum), hệ viền (limpic system), hồi cingulated gyrus, vùng đồi thị (thalamus), hạch hạnh nhân (amygdale), và hồi hải mã (hippocampus) [3]. 

Hình bên phải: Hồi hải mã nằm ở mỗi bán cầu não trong hệ viền. Cò hình giống như con ngựa biển. Cơ quan này đóng vai trò quan trọng  trong việc duy trì trí nhớ ngắn hạn và dài hạn [4].  

2.1.5 Hành tủy (modulla oblongata hay modulla)

Chịu trách nhiệm trong việc kiểm soát nhịp thở, huyết áp, nhịp tim và các cử động nuốt, ho hay nhảy mũi. 

2.1.6 Cầu não (pons)

Nằm trong thân não (brain stem).  Giúp kiểm soát hơi thở, phối hợp cử động mắt, mặt, biểu cảm khuôn mặt, nghe và giữ thăng bằng. 

2.2  Tiểu não (cerebellum)

Nằm ở phần dưới của bô não, gần thân não (brain stem). Tiểu não giúp duy trì tư thế, cảm giác cân bằng, thăng bằng, kiểm soát trương lực cơ và vị trí tay chân. Phối hợp và kiểm soát các cử động  của cơ thể  như khi vẽ tranh, tập luyện thể thao, ý niệm về không gian ba chiều. Ngoài ra, cơ quan này còn nối liền não bộ với xương sống bằng một đường thần kinh chạy thẳng xuống lưng; gửi và nhận tín hiệu từ các giác quan.  Tiểu não có 60 tỉ tế bào thần kinh; trong khi đó vỏ não có 20 tỉ tế bào thần kinh.   

2. 3 Các tuyến

2.3.1 Tuyến yên (pituitary gland)

Có kích thước bằng hạt đậu. Cũng thường được gọi là “master gland”. Vai trò chính của tuyến yên là liên kết hệ thần kinh với hệ nội tiết; và kết nối với vùng dưới đồi. Nằm ở trung tâm của hộp sọ, ngay sau sống mũi. Tuyến yên tiết ra một số kích thích tố (hormones) khác nhau ảnh hưởng đến tăng trưởng, phát triển giới tính, tình dục, việc có thai, và sinh con. Tuyến này còn thúc đẩy sự phát triển của xương và cơ bắp cũng như điều chỉnh sự căng thẳng. 

2.3.2 Tuyến tùng (pineal gland)

Nằm sau não thất thứ ba. Góp phần trong công tác kiểm soát giấc ngủ và nhiệt độ sinh học ngày đêm (circadian rhythms). Cơ quan này giúp điều chỉnh đồng hồ bên trong cơ thể và nhịp sinh học bằng cách tiết ra chất melatonin và đóng một số vai trò trong sự phát triển tình dục. 

3. Lời kết

Trên đây, người viết trình bày một cách tổng quát cấu tạo và những thành phần quan trọng trong não bộ. Những thông tin này sẽ rất hữu ích trong việc thu thập và phân tích những dữ liệu liên quan đến bệnh lý cung cấp bởi những thiết bị điện tử y khoa như cộng hưởng từ chức năng fMRI, chụp cắt lớp vi tính CT, và chụp cắt lớp positron PET. Trong những số tới, chúng tôi sẽ trình bày một các chi tiết hơn những thành phần chính của não như tiểu não, hệ thống viền, hạch hạnh nhân, vùng đồi thị, vùng hạ đồi và hồi hải mã. 

4.  Tài liệu tham khảo

[1] http://www.erct.com/2-ThoVan/TTriNang/Technology%20in%20Medicine-%20Part%2034-06062023.htm

[2B] http://www.erct.com/2-ThoVan/TTriNang/Technology%20in%20Medicine-%20Part%2035-07102023.htm 

 [3] https://www.simplypsychology.org/forebrain-midbrain-hindbrain.html 

[4] https://www.drugabuse.gov/videos/human-brain-major-structures-functions 

 

August 22, 2023