Từ thuở xa xưa, con người đã cố gắng tìm
hiểu và khám phá thế giới huyền bí của bộ não.
Nhưng không mấy thành công! Phải đợi đến cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ
21, với sự tiến bộ khả quan trong lãnh vực y khoa điện tử, công nghệ
điện tính, kỹ thuật cộng hưởng từ chức năng MRI (hay fMRI) và nhiều kỹ
thuật liên quan khác, não trở thành một đề tài nghiên cứu nóng bỏng
trong công động khoa học trong vòng 20 năm gần đây. Riêng ở Mỹ, Viện
Quốc Gia về Rối Loạn Thần Kinh và Đột Quỵ (National Institute of
Neurological Disorders and Stroke hay NINDS) đã và đang đóng vai trò
tiên phong trong việc nghiên cứu về các hoạt động và bệnh lý liên
quan đến não. Viện này đã và đang hổ trợ
nhiều đề án nghiên cứu liên quan đến não ở
Mỹ và nhiều quốc gia khác trên thế giới.
Trước khi
đi vào chi tiết về những ứng dụng của cộng hưởng từ chức năng (fMRI)
và những kỹ thuật khác trong những lãnh vực liên
quan đến hoạt động của não, người viết xin giới thiệu một cách
đại cương cấu tạo và những thành phần chính của não bộ.
1.
Tóm lược về hình cắt lớp ba chiều của não
Hình cắt lớp ba chiều thường được dùng
rất nhiều ở bệnh viện, phòng mạch bác sĩ và tạp chí y khoa mỗi lần có
sự đề cập đến việc chẩn đoán liên quan đến hoạt động và bệnh lý của
não bộ.
Thế nên, chúng ta hãy cùng ôn lại khái niệm tổng quát về những những
hình ba chiều này để tiện việc theo dõi.
Có ba hướng cắt khác nhau: hướng cắt
ngang trục, hướng cắt dọc ngang và hướng cắt dọc đứng.
Hình 1 (a và b) biểu hiện ba mặt cắt của
máy chụp cộng hưởng từ MRI dựa theo ba chiều
x-y-z, với con người đứng hướng mặt về
phía trục y. Mặt phẳng cắt ngang trục (axial hay transverse plane)
trải dài từ đầu xuống chân trong mặt phẳng x-y dọc theo trục z,
nằm song song với mặt đất (hay mặt sàn của
phòng MRI). Mặt phẳng
cắt dọc ngang (coronial plane) nằm ở trong mặt x-z, thẳng góc với mặt
đất, dùng để phân chia hướng trước mặt với hướng sau cổ của người
trong hình. Và sau cùng, cắt dọc đứng nằm (sagittal plane) trong mặt
phẳng y-z, thẳng góc với mặt đất, chia ra phần có lỗ tai bên trái và
phần có lỗ tai bên phải theo hướng cắt
thẳng góc với mặt phẳng cắt dọc ngang [1].
Nói một
cách khác hơn: khi chọn vị trí đứng của con người làm điểm tham khảo;
cắt trục ngang đi theo hướng song song với mặt phẳng ngang qua hai lỗ
tai và mũi; cắt dọc ngang đi
theo hướng song song với mặt phẳng ngang qua hai lỗ tai; và cắt dọc
đứng theo hướng song song với mặt phẳng thẳng góc với mặt phẳng ngang
qua hai lỗ tai.

Hình 1.
(a) Ba hướng cắt: cắt ngang trục (axial hay transverse plane)
đi theo hướng song song với mặt phẳng ngang qua hai lỗ tai và gần
mũi; cắt dọc ngang (coronal plane) đi theo hướng song song với mặt
phẳng ngang qua hai lỗ tai và cắt dọc đứng (sagittal plane)-
trục song song với mặt phẳng ngang qua mũi và thẳng góc với trục ngang
qua hai lỗ tai; (b) các mặt cắt biểu hiện trên trục x-y-z [2]
Hình 2 biểu hiện một thí dụ về hình ảnh
mặt phẳng MRI qua vết cắt ngang trục, cắt dọc ngang và cắt dọc đứng
trong não bộ [3].
Chúng ta thường thấy những
hình này trong nhiều phòng mạch khi nhân viên y tế chẩn đoán và tầm
soát các bệnh lý liên quan đến não bộ.

Hình
2.
Mặt phẳng MRI của đầu con người: (a) cắt ngang trục (axial)- hình
bên trái, (b) cắt dọc ngang (coronal)- hình giữa và (c ) cắt dọc đứng
(sagittal)- hình bên phải. Nếu đi theo
hướng nhìn từ ba vết cắt liên quan đến ba mặt phẳng cơ bản của MRI:
mặt cắt ngang trục (từ trên xuống dưới), mặt cắt dọc
ngang (từ trước ra sau) và mặt cắt dọc đứng
từ phía lỗ tai bên này sang phía lỗ tai bên kia (trái sang phải hay
ngược lại) [3].
2.
Vài nét tổng quát về bộ não
Trong cơ
thể con người, bộ não có cấu tạo phức tạp và quan trọng nhất.
Bộ não nặng khoảng 1.2-
1.4 kg (2.64 - 3.1
lbs). Não điều khiển và
điều hòa tất cả hoạt động và chức năng của các cơ quan trong cơ thể
con người từ nghe, nói, hô hấp, tiêu hóa, giấc ngủ, vị giác, thị giác,
đến cảm xúc, suy nghĩ và lý luận. Hình 3 biểu hiện vị trí của năm giác
quan trong bộ não theo thứ tự từ trước ra
sau: khứu giác, xúc giác, vị giác, thị giác và thính giác. Mỗi bộ phận
trong não bộ có một chức năng riêng biệt nhưng hòa hợp và kết nối chặt
chẽ với những chức năng khác để điều khiển và đáp ứng với những hoạt
động của cơ thể con người.

Hình 3.
Vị trí của năm giác quan trong bộ não.
Nhìn từ trán ra phía sau ót, theo thứ tự,
chúng ta có khứu giác (smell), xúc giác (touch), vị giác (taste), thị
giác (vision) và thính giác (hearing). (Nguồn: Nikos Logethetis, Max
Planck Institute).
Có hai hệ
thống thần kinh liên quan đến não: Hệ thống thần kinh trung ương
(central nervous system) bao gồm não và tủy sống và hệ thống thần kinh
ngoại biên (peripheral nervous system) gồm có các dây thần kinh cột
sống và các dây thần kinh sọ.
Liên quan
đến bộ phận của não, có hai cơ cấu cần phải phân biệt: (i) phần vỏ não
(cerebral cortex) và phần não nằm ngay dưới vỏ não (subcortex) Vỏ
não có hai bán cầu và gồm có bốn thùy (sẽ thảo luận chi tiết hơn ở bài
viết kế tiếp). Trong khi đó, phần não ngay dưới vỏ não có thể chia làm
ba phần chính (Hình 4): não trước (forebrain), não
giữa (midbrain)
và não sau
(hindbrain) [4].

Hình 4. Ba phần chính thuộc phần dưới vỏ não:
não trước (forebrain),
não
giữa (midbrain) và
não sau (hindbrain) [4].
Nhìn từ trên xuống dưới bắt
đầu từ phía bên phải theo chiều kim đồng hồ, chúng ta có thể thấy
nhiều bộ phận trong não bộ chẳng hạn như: não thất (ventricles),
não giữa (midbrain), thể chai (corpus collosium), đồi thị (thalamus),
tiểu não (cerebellum), não sau (hindbrain), cuống não (brain stem),
hành não (medulla hay medulla blongata), cầu não
(pons), tuyến yên (pituitary gland), vùng đồi trước
(hypothalamus), đại não (cerebrum) và não
trước (forebrain) (Hình 4).
Hầu như một nửa số tế bào thần kinh
(neurons) nằm ở tiểu não.
Cuống não kiểm soát những hoạt động như
nhịp tim, thở, ngủ và động tác nuốt.
3.
Não trước (forebrain- prosencephalon)
Não trước là phần trước của não, bao gồm
đại não, đồi thị, vùng đồi trước; với đại não là phần trên cùng của bộ
não.
Có
những chức năng liên quan đến việc xử lý cảm quan, chức năng lý luận
cao và khả năng phân tích những vấn đề phức tạp.
Đại não với phần ngoài cùng là vỏ não,
chiếm diện tích lớn nhất của não bao gồm
chẳng những chức năng xử lý cảm quan và thông tin liên quan đến vận
động mà còn có những khả năng liên quan đến ý thức, kiểm soát ngôn ngữ,
tư duy, nghe, cảm giác về
thể tính như xúc giác, xúc cảm, ký ức, phát triển cá tính, và thị giác.
Bên trong đại não có bốn não thất nơi
dịch não tủy được tạo ra.
Dịch não giúp bảo vệ và làm giảm chấn thương.
Đại não
gồm có hai bán cầu não ngăn cách nhau bởi khe não.
Hai bán cầu não này nối kết và thông tin với nhau
qua một bó sợi gọi là thể chai. Bộ phận này
có chức
năng truyền thông điệp từ bán cầu não bên này sang bán cầu não bên
kia.
Mỗi bán cầu não kiểm soát bắp thịt và các tuyến ở
phía đối diện của cơ thề.
Phần lớn khoa học gia và chuyên gia cho rằng bán cầu não bên trái kiểm
soát giọng nói, khả năng phân tích và lý luận ; trong khi đó bán cầu
não bên phải kiểm soát khả năng sáng tạo, thông tin thị giác, không
gian, nghệ thuật và kỹ năng âm nhạc. Tuy nhiên
điều này vẫn chưa được xác định một cách thống nhất trong cộng đồng
khoa học.
4. Não giữa
(midbrain, mesencephalon)
Nằm phía trước và liên lạc với tiểu não.
Có những chức năng liên quan đến động tác, thính
giác và thị giác.
5.
Não sau (hindbrain, rhombencephalon)
Nằm phía sau đầu và thoạt trông giống
như phần nối dài của xương sống.
Não sau gồm có hành não, cầu mã, và tiểu não.
Đây là vùng điều khiển những chức năng có
tính cách tự động cần thiết cho việc sống còn của cơ thể con người như
hô hấp và ngủ.
6.
Kết từ
Tong bài
viết này, chúng tôi đã trình bày môt cách đại cương ba phần chính của
não: não trước, não giữa và não sau. Bốn thùy của
não (thùy trán, thùy
chẩm, thùy đỉnh và thùy thái dương) và những bộ phận khác sẽ
được trình bày trong bài viết sau.
7.
Tài liệu tham khảo
[1]
http://www.erct.com/2-ThoVan/TTriNang/Technology%20in%20Medicine-%20Part%2019-03312022.htm
[2]
https://my-ms.org/mri_planes.htm
[3]
https://www.researchgate.net/figure/MRI-planes-for-MRI-head-scan-a-Axial-b-Coronal-c-Sagittal-MR-scanner-can-generate_fig2_338448026
[4]
https://www.simplypsychology.org/forebrain-midbrain-hindbrain.html
June 6,
2023
|