TRUYỆN NGẮN TRONG LÒNG BÀN TAY

Nguyên Tác: Kawabata Yasunari

Dịch: Nguyễn Nam Trân

TẬP IV
 

 

54. Mắt của mẹ nàng (Haha no me, 1928)

Tôi đang trọ ở một lữ quán vùng suối nước nóng nằm trên núi. Đứa trẻ con nhà chủ khoảng chừng 3 tuổi với khuôn mặt cau cau, xồng xộc vào phòng tôi. Nhanh như cắt, nó chụp lấy cây bút chì trong ống đựng bút bằng bạc đặt trên bàn rồi chạy như bay biến, miệng không nói một lời nào. ...Một lát sau, cô hầu phòng đến gặp tôi.

-Cây bút chì này có phải là của ông khách không ạ?

-Vâng, của tôi đấy. Khi nãy, tôi vừa mới cho thằng bé.

-Thế nhưng cây bút lại thấy ở đằng cô vú em cơ mà.

-Sao cô ấy lại lấy đi mà không để cho thằng bé chơi nhỉ?

Cô hầu phòng bèn cười. Hỏi ra mới biết là cây bút ấy đã được tìm ra từ dưới đáy bọc hành lý của cô vú em. Trong bọc hành lý ấy ấy, cô ta còn dấu rất nhiều đồ ăn cắp. Nào là hộp đựng danh thiếp của khách, nào là áo lót dài của bà chủ quán, nào là kẹp tóc với lược các cô hầu phòng. Đó là chưa kể năm, sáu tờ giấy bạc.

Sau đó khoảng nửa tháng, cô hầu phòng lại đến nói:

-Bực mình không chịu được. Con nhỏ đó làm mọi người phải mang tiếng xấu vì nó ...

Chứng bệnh ăn cắp vặt của cô vú em coi bộ càng ngày càng nặng kể từ ngày đó. Người ngoài tiệm bán vải may quần áo (gofukuya) trong làng thấy cô ta cứ tiếp tục mua những món hàng khá xa xỉ và trả bằng tiền mặt nên đã ngấm ngầm thông báo cho lữ quán biết. Do đó, bà chủ quán mới nhờ cô hầu phòng đến gạn hỏi cô vú em.

Cô vú em bất chợt đứng dậy bỏ đi:

-Nếu chị nói thế thì để em đến gặp bà chủ trình bày thẳng với bà tất cả mọi sự.

Giọng điệu cô ta như muốn nói:

-Tôi đời nào thèm thú tội với hạng gái hầu phòng cỡ các chị.

Thế rồi, theo lời cô hầu phòng thuật lại, cô vú em đã đến ngồi trước mặt bà chủ, cúi đầu báo cáo một cách trung thực, không sót một vụ ăn cắp nào của mình. Về tiền bạc thì cô ta chỉ lấy của văn phòng lữ quán và khách hàng tổng cộng có 150 Yen thôi.

-Cô ta nói đã dùng tiền để mua áo khoác (haori) và may cho mình 3, 4 tấm kimono. Kỳ dư là dùng vào việc mướn xe hơi chở mẹ đi bệnh viện.

Khi người quản lý cho cô ta nghỉ việc và gửi trả về với cha mẹ thì hai ông bà đã sẵn sàng tiếp nhận cô, không có lấy một lời quở trách.

Cô vú em xinh xắn đi khỏi lữ quán rồi, chẳng bao lâu tôi cũng lên đường về nhà. Có một chiếc xe hơi chạy thật nhanh như muốn cắt ngang cánh rừng xanh để đuổi theo xe ngựa chở khách tôi đang đi. Xe ngựa nép qua một bên để nhường đường. Chiếc xe hơi ngừng lại sát rạt bên hông xe ngựa. Cô vú em, áo xống đỏm đáng, bước xuống xe hơi, chạy như phóng đến bên xe ngựa, cất tiếng kêu mừng rỡ:

-Ôi chao, gặp được ông, em mừng hết sức! Em đang đưa mẹ đi đến gặp bác sĩ ngoài tỉnh đây. Tội nghiệp mẹ em quá, chắc bà chỉ còn giữ được mỗi một bên mắt. Thôi, ông lên xe hơi này mà đi với chúng em. Em sẽ đưa ông tận bến xe đò. Ông chịu chứ?

Tôi bèn nhảy phóc xuống khỏi chiếc xe ngựa. Gương mặt của cô vú em lúc ấy ánh lên một niềm vui khôn tả.

Qua cửa sổ chiếc xe hơi, tôi thấy mắt của mẹ nàng đang được băng bó trong một lớp vải ga trắng toát.

(Dịch ngày 10 tháng 11 năm 2018)

 

Xem tiếp : [ 55. Nhà cầu của Bụt   ]

 

 


* Nguyễn Nam Trân :

Một trong những bút hiệu của Đào Hữu Dũng, sinh năm 1945 gần Đà Lạt. Nguyên quán Hương Sơn, Hà Tĩnh. Theo học Chu Văn An (1960~1963) và Đại Học Sư Phạm Sài G̣n trước khi đến Nhật năm 1965. Tốt nghiệp Đại Học Đông Kinh (University of Tokyo) và Đại Học Paris (Pantheon-Sorbonne). Tiến sĩ khoa học truyền thông. Giáo sư đại học. Hiện sống ở Tokyo và Paris. E-mail: dhdungjp@yahoo.com

.........................

® "Khi phát hành lại bài viết của trang này cần phải có sự đồng ư của tác giả (dhdungjp@yahoo.com)
và ghi rơ nguồn lấy từ www.erct.com