53. Mùa đông gần kề (Fuyu
chikashi, 1926)
Nhà sư một ngôi
chùa trên núi đang đánh cờ vây (Go):
-Sao thế? Hôm nay ông
không được như mọi ngày. Nước đi thấp quá!
-Mỗi năm khi trời
trở lạnh, tôi cũng úa vàng như cây cỏ. Không cách chi để khá
hơn.
Trong lòng, anh cảm
thấy mình là người hoàn toàn chiến bại, không dám cả đưa
mắt nhìn trả đối thủ.
Tối qua, như mọi
lần, bên ngoài khu nhà trọ ở suối nước nóng, khi anh và
người con gái cùng nghe tiếng gió đuổi theo lá rụng, nàng
đã nói với anh:
-Mỗi năm khi cảm
thấy lạnh đôi chân, em bỗng thèm một mái nhà. Em mơ sao có
được một khung cảnh gọi là gia đình.
-Còn anh, mỗi khi
mùa đông gần kề thì lại nghĩ mình không xứng đáng với em.
Anh không có giá trị gì với bất cứ người phụ nữ nào. Ý
tưởng này theo ngày tháng càng cắm rễ.
Thế nhưng giờ đây
những câu trao đổi trên đây không còn giúp họ thông cảm một
cách trung thực với nhau nữa. Lời của anh có kèm thêm một
chút ý định bào chữa:
-Mỗi khi mùa đông
gần kề, anh cảm thấy mình hiểu được tâm tình của những kẻ
cầu xin thần thánh. Đó không phải là tình cảm tôn sùng
nhưng chỉ là một dấu hiệu của sự yếu đuối. Phải chi anh
chỉ thờ một ông thần độc nhất rồi mỗi ngày cầu xin sao cho
có miếng ăn là đã đủ cảm thấy hạnh phúc. Mỗi ngày một
bát cháo thôi cũng được.
Thực ra hiện nay
mỗi ngày hai người được nuôi nấng quá đầy đủ. Có điều là
họ không rời nỗi khu nhà trọ ở suối nước nóng này. Cứ
theo cách nghĩ thông thường của người đời thì khi sống chung
với anh, người con gái cứ đến mỗi mùa hè đã tìm lại được
khung cảnh gia đình mà nàng đánh mất bốn, năm năm về trước.
Cách đây sáu tháng, bọn họ không tính toán trước sau, đã
đến đây như hai kẻ đào tẩu và sống một cuộc đời hầu như
ẩn dật. Tuy nhà trọ quen biết này sẵn sàng dành cho họ
một gian phòng biệt lập cho đến lúc nào cũng được nhưng vì
không biết chỗ kiếm tiền nên họ bắt buộc nằm lì ở đây.
Trong khoảng thời gian ấy, niềm hy vọng tàn lụi trong lòng
và anh chàng đâm ra chán chường. Lối suy nghĩ của anh về
mọi vấn đề đều nhuốm màu sắc bi quan như thể muốn phó mặc
tất cả cho định mệnh.
-Ông thấy thế nào?
Hay ta đốt lò sưởi lên rồi chơi thêm ván nữa?
Anh nghĩ rằng kỳ
này mình sẽ nắm lợi thế thì chẳng ngờ thì hòa thượng đã
không nương tay mà đặt một con cờ vào trong góc ngay trước
mũi anh. Hòa thượng nhà quê mới vào nghề coi bộ giỏi cách
đánh thọc góc địch thủ mà anh thì không ưa ngón đòn hạ
cấp này. Anh chợt thấy hết cả thích thú, người uể oải.
-Thế hôm qua trong
lúc chiêm bao, ông có ngờ rằng sẽ bị tấn công với ngón đòn
này không? Nước cờ vừa rồi của tôi là cách phân thắng bại
đấy.
Biết vậy mà anh
chỉ đáp trả bằng một nước cờ không đủ chín chắn. Hòa
thượng bèn cười lớn:
-Ông nỡm! Sao có thể
hạ địch thủ được với nước cờ non kém như vậy!
Thế rồi trong một
góc bàn cờ, thế trận của anh đã vỡ tan tành. Trận đấu
đến hồi chung cuộc, nhà sư tấn công hết chỗ này đến chỗ
khác khắp trên bàn cờ và luôn luôn giữ thế thượng phong.
Bất chợt lúc đó, đèn tắt ngấm.
-Ối ôi. Đáng sợ
thật. Ông còn tài hơn vị khai tổ. Sức thần thông của ông
đánh bạt cả ngài khai tổ chùa này. Ông không phải ông nỡm
đâu. Tôi nể ông đấy!
Hòa thượng đứng lên
trong bóng tối, tay mày mò tìm một ngọn nến. Cơ sự xảy
đến một cách thình lình như thế, giờ đây mới làm cho anh
cảm thấy sảng khoái và bật cười.
Những cách nói như
“một chiêu thấy trong chiêm bao” hay “ông nỡm” là cái hòa
thượng vẫn quen mồm khi họ chơi cờ. Truyền thuyết về vị
khai tổ của chùa này mà hòa thượng thường kể cho anh nghe
là nguồn gốc của cách ăn nói như thế.
Ngôi chùa được xây
lên vào thời Tokugawa. Vị tăng khai tổ xưa vốn là samurai.
Đứa con của ông samurai vốn mắc chứng si ngốc. Người con của
chức gia lão (karô, đại thần) trong cùng một phiên mới sỉ
nhục cậu ấy. Ông ta bèn trả thù bằng cách diệt quan gia
lão, giết đứa con của mình rồi bỏ phiên mà đi. Lúc trốn
đến một suối nước nóng cách đó 70 dặm, một hôm ông nằm
chiêm bao. Trong giấc mơ, ông thấy mình bị giết ở một thác
nước cách suối nước nóng đó có mỗi một dặm. Đứa con của
quan gia lão hiện ra dưới chân thác và chém sả ông từ vai
xuống theo đường chéo góc. Khi bừng tỉnh, cả người ông toát
mồ hôi lạnh. Ông thấy giấc mơ này quả là kỳ lạ. Một là
vì ông chưa từng nghĩ ra lý do nào khiến ông có thể bị
giết ở ngọn thác đó. Hai là ông không thể nào ngồi điềm
nhiên để mặc cho một lưỡi kiếm chém tới như vậy. Hơn nữa,
một người vẫn tự phụ là kỹ thuật đánh kiếm của mình
không thua kém tài nghệ - tuy có khác nhau - của các nhà
chỉ đạo các võ đường trong phiên như ông thì cho dù có bị
người như con trai của chức gia lão đánh lén, không thể nào
bỏ mạng chỉ vì một nhát chém. Thế nhưng chuyện không lường
trước vẫn có thể xảy ra, giấc mơ ấy ngược lại đã khiến
ông lo lắng. Việc này có phải là do số trời đã an bài hay
chăng? Nếu như chuyện sinh ra đứa con si ngốc là do định mệnh
thì bị chém dưới chân thác lại là một định mệnh khác
chăng? Và phải chăng định mệnh cũng đã dự báo cái chết
của mình bằng một giấc mơ. Có thể gọi nó là một giấc
mộng báo điềm hay không nhỉ? Rồi sau đó, như bị giấc mộng
ấy xui giục, người samurai đã tìm đến ngọn thác.
-Thôi được. Ta sẽ
chiến đấu để chống trả lại định mệnh.Ta sẽ xoay chuyển số
phận cho xem.

Thác Kegon ở Nikkô
Kể từ ngày ấy, ông
ta bắt đầu lui tới ngọn thác.Tắm dưới thác xong, ông lên
trên ghềnh đá ngồi chỉnh tề nhưng mỗi ngày đều thấy giấc
mộng đó hiện ra thực sự. Ông nhìn thấy có một vết thương
vô hình như bị kiếm chém sả xuống nơi vai trái của mình.
Ông nghĩ cách thoát ra khỏi huyễn tưởng đó, bắt lưỡi kiếm
vô hình kia thay vì chém trúng vai mình sẽ chém lệch xuống
ghềnh đá. Một hôm, sau khi đã tập trung tinh thần trong vòng
một tháng, ông thấy lưỡi kiếm vô hình nhanh như ánh sáng đã
trượt khỏi vai ông và chém trúng mặt ghềnh. Ông bèn nhảy
cởn lên, mừng rỡ.
Dĩ nhiên huyễn ảnh
mà ông nhìn thấy cũng đã xảy ra trong thế giới của thực
tại. Người con trai của quan gia lão dù có tuyên bố mình sẽ
phục thù và gọi ông là kẻ khiếp nhược, ông vẫn nghiêm trang
ngồi đó, trầm tư mặc tưởng, phiêu diêu trong trạng thái vô
ngã. Ông đã hoàn toàn đánh mất tự kỷ giữa tiếng réo của
nước thác.
Đôi mắt nhắm nghiền,
ông đột nhiên nhìn thấy huyễn ảnh của lưỡi kiếm sáng lên
như điện quang. Đứa con của gia lão vừa chém xuống mặt đá,
cánh tay đã tê dại. Lúc đó, người samurai bất thần mở mắt:
-Ông nỡm! Mới học
đòi được vài chiêu kiếm mà đã nghĩ mình có thể trảm được
thiên địa chư thần hay sao hử? Kẻ hèn này vì muốn tránh
một lưỡi kiếm duy nhất - lưỡi kiếm của ông – nên đã tìm
đến mọi thần linh trong thiên địa. Vì đã tương thông được
với sức mạnh của đất trời nên ta vừa tránh được đường
kiếm của ông trong gang tấc.
Từ khi kể lại câu
chuyện về nguồn gốc của cách gọi “Ông nỡm!” của vị khai tổ,
đôi khi hòa thượng lại có dịp dùng nó để trêu người khách,
và lúc đó, ông ta cười rung cả bụng.
Hòa thượng tìm
được một ngọn nến và mang đến. Thế nhưng khách đã xin kiếu
từ. Hòa thường bèn đem ngọn nến gắn vào chiếc đèn lồng
bằng giấy, tiễn anh đến tận cổng sơn môn. Trên trời, con
trăng sáng đến lạnh lẽo. Núi rừng đồng ruộng, không đâu có
một ánh đèn. Anh nhìn khắp núi non rồi nói:
-Con người chúng ta
bây giờ không còn biết đâu là niềm vui thực sự khi thưởng
thức phong cảnh đêm trăng. Nếu không phải là người thái cổ
thủa chưa biết đến đèn đóm thì không thể nào hiểu được
niềm vui khi gặp một đêm trăng sáng.
Hòa thượng cũng
nhìn lên núi:
-Đúng thế thật.
-Nếu đi sâu vào hẻm
núi này, sẽ nghe tiếng nai kêu liên hồi. Chúng nó đang ở
giữa mùa động tình.
-Con nai cái của
mình thì thế nào nhỉ?
Anh vừa suy nghĩ như
thế vừa lần theo bậc đá để rời cửa chùa.
-Hay nàng vẫn cứ
khoành tay làm gối và nằm trên nệm giường?
Mấy đêm gần đây,
các cô hầu phòng thường hay đến trải nệm làm giường sớm cho
họ.Thế nhưng anh không lên nệm ngay. Làm biếng chui vào trong
chăn, anh cứ nằm dài thẳng chân bên trên tấm đệm, như thế,
anh có thể ủ đôi chân bên trong tấm kimono dày mùa lạnh (dotera)
và khoành tay qua đầu làm gối. Không biết tự lúc nào,
người còn gái cũng đã nhiễm cái thói quen ấy của anh.Và
như vậy, mỗi đêm, từ ban chiều, họ vẫn nằm cùng một tư thế,
trên hai cái nệm giường đặt song song nhưng mắt mỗi người
lại nhìn về một phía.
Khi anh đi ngang qua
cổng chùa, khuôn mặt của người con gái bồng bềnh hiện ra
như hình ảnh của định mệnh. Có phải anh là người duy nhất
đã không thể cưỡng lại được định mệnh?
-Hãy nhảy ra khỏi
tấm đệm ấy và ngồi thẳng lên đi!
Trong lòng, anh thầm
ra lệnh cho nàng.
-Mau!
Anh cũng kêu lên một
tiếng như tự nhủ.
Nhận ra mình đang
quơ tay phất mạnh ngọn đèn lồng, anh cảm thấy cái lạnh của
một đêm mùa đông gần kề đến đậu trên riềm mi.
(Dịch
ngày 15 tháng 10 năm 2018)
Xem tiếp : [ 54.
Mắt của mẹ nàng ] |