Ngộ Độc với Chì

Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức

Trong tháng vừa qua, nhiều chục triệu đồ chơi dành cho trẻ em sản xuất từ Trung quốc đã bị Cơ quan An toàn Tiêu thụ Hoa Kỳ ra lệnh thu hồi vì vi phạm tiêu chuẩn an toàn, có thể gây rủi ro sức khỏe cho các em. Các đồ chơi này được hào nhoáng làm đẹp bề ngoài với sơn có hàm lượng chì quá cao. Nhà nhập cảng tỏ vẻ rất bất mãn với việc làm cẩu thả và không đúng yêu cầu của các công ty sản xuất. Khoảng 75% đồ chơi của trẻ em trên thị trường Hoa kỳ do Trung Hoa thực hiện. Các đồ chơi này gồm có dây chuyền cổ, vòng tay, bông tai, nhẫn, trống nhỏ, phấn viết, xe và đường rầy xe lửa, đồ chơi bắng nhựa… Theo tiêu chuẩn Hoa Kỳ, các sản phẩm có quá .06% chì đều bị thu hồi. Giới sản xuất biện hộ, nói lỗi là tại quý vị không chịu thanh tra kiểm soát kỹ càng các món hàng trước khi đưa ra thị trường. Ngoài ra, quý vị đặt mua đồ chơi với giá quá rẻ thì làm sao chúng tôi sử dụng nguyên liệu tốt được. Sơn không chì đắt gấp ba lần sơn pha chì. Tiền nào của nấy mà. Và cũng để “ăn miếng trả miếng”, ông “siêu nhân- số” buộc tội ông “siêu- tiêu- thụ dầu- hỏa” rằng, đậu nành của quý quốc cũng gây nhiều độc hại cho giới tiêu thụ chúng tôi lắm vì có quá nhiều thuốc diệt sâu bọ, cỏ dại nguy hiểm và đôi khi lại lẫn cả đất. Họ yêu cầu Hoa Kỳ điều tra nội vụ và áp dụng các biện pháp hữu hiệu, tránh tái diễn. Hàng năm Trung quốc nhập cảng nhiều tỷ mỹ kim đậu nành từ Hoa Kỳ. Vấn đề quan trọng đến nỗi vị Giám đốc một công ty chế tạo đồ chơi tại Trung quốc tự vẫn. Tổng Thống Hiệp Chủng Quốc George W. Bush phải trực tiếp than phiền với Chủ tịch Trung quốc Hồ Cẩm Đào tại Hội Nghị APEC tuần vừa qua tại Úc Châu. Và lưỡng viện quốc hội Hoa Kỳ cũng yêu cầu nhà nhập cảng đồ chơi nhiễm chì ra điều trần nội vụ. Vì chì trong lớp sơn đồ chơi có thể gây ngộ độc cho trẻ em khi tiếp xúc cầm chơi lâu ngày.

Sơn pha chì để có độ bóng được dùng rất phổ biến cho tới thập niên 1960, giảm dần tới thập niên 1970 và hầu như không được phép dùng từ năm 1978. Nhờ đó, theo Cơ quan Kiểm soát Bệnh Tật Hoa Kỳ (CDC), vào năm 1978 có khoảng 13.5 triệu trẻ em ở Hoa Kỳ có hàm lượng chì trong máu rất cao, trên 10µg/dl. Tới năm 2002, con số này giảm xuống còn 310.000 em sau khi có các kiểm soát, biện pháp giới hạn dùng chì trong vài ngành kỹ nghệ. Trước nhiều áp lực, ngày 11 tháng 9 năm 2007, Trung quốc đã ký bản cam kết, cấm không cho dùng sơn có chì với các đồ chơi trẻ em nhập cảng vào Hoa Kỳ. Thực là điều vạn hạnh, vì sức khỏe con em nơi đây được bảo vệ quá chu đáo.

Chì là gì

Chì là một kim loại nặng màu xám xanh có nhiều trong vỏ trái đất. Khi gặp không khí và nước, một lớp hợp kim được tạo ra, bao che chì khỏi bị gỉ sét, ăn mòn. Chì hiện diện tự nhiên trong môi trường và nhất là qua sự sử dụng chì trong kỹ nghệ. Chì có nhiều trong các loại ống dẫn nước hoặc hơi đốt, quả cân, đạn dược, bao dây cáp, chế tạo bình điện xe hơi, chất mầu trong sơn, thuốc nhuộm, men bóng đồ gốm. Đã có thời kỳ, xăng dầu được pha thêm chì để tăng hiệu năng và phẩm chất. Tuy nhiên, từ tháng 1 năm 1996, Hoa Kỳ đã cấm pha thêm chì vào xăng chạy xe hơi, ngoại trừ xăng dùng cho máy bay và các xe không lưu hành trên trục lộ giao thông. Một số quốc gia đang phát triển vẫn tiếp tục pha chì trong xăng. Khi vào môi trường, các phân tử chì lan tỏa rất xa trong không khí. Mưa làm chì rớt xuống mặt đất và nước.

Nguồn gốc ngộ độc chì

Nguồn gốc đưa tới nhiễm độc chì gồm có: -Sơn nhà. Tại Hoa Kỳ, đa số nhà xây cất trước năm 1978 đều dùng sơn pha chì, nhưng sau đó, chính quyền liên bang đã cấm dùng. Hiện nay, vẫn còn khoảng 38 triệu căn nhà được sơn với sơn pha chì. Chì bám ở tường, trần nhà, sàn nhà, khuôn cửa của các ngôi nhà cũ này. Nếu lớp sơn bị tróc, chì rơi ra ngoài và gây ngộ độc, nhất là khi trẻ em chơi dưới đất, vô tình ăn phải. Theo quy luật của liên bang, người bán nhà phải cho người mua biết nếu có dư sản chì trên kiến trúc hay không. -Đất chung quanh nhà nhiễm chì từ các lớp sơn cũ -Bụi bậm trong nhà có chì từ sơn tường cũ hoặc đất theo giầy dép mang vào nhà. -Chì trong nước nếu dùng ống dẫn nước bằng kim loại có chất chì. Từ thập niên 1980, Hoa kỳ đã cấm sử dụng ống nước có chì và hàn chì trong hệ thống dẫn nước công cộng. Các ống kim loại hàn bằng chì có thể nhả các phân tử chì vào nước. - Chì có nhiều trong đất, nhất là gần trục lộ giao thông, nhà xây cất từ lâu, vườn hoang, hầm mỏ, khu kỹ nghệ, khu chứa rác, lò đốt. Làm việc hoặc sinh sống ở gần các khu vực này có thể bị nhiễm chì qua nước uống, thực phẩm, không khí. -Công nhân làm việc trong kỹ nghệ luyện chì, làm dụng cụ bằng nhựa plastic, hàn cắt thép, làm bình điện xe tự động, kỹ nghệ đồ gốm, đập phá nhà cũ, tu bổ bình tản nhiệt xe hơi…đều dễ dàng nhiễm chì. -Chì trong xăng xe hơi. Đây là nguồn chì khá lớn phát ra từ ống khói xe. May mắn là từ năm 1980, Hoa Kỳ đã dần dần loại bỏ chì ra khỏi xăng dầu. -Đồ chơi trẻ em, xích đu hoặc bàn ghế cũ quét với sơn có nhiều chì. -Thực phẩm nước uống đựng trong bát đĩa, bình chứa phủ men bóng. - Rau, trái cây đôi khi có bụi chì bám vào, nên cần được rửa sạch trước khi ăn. -Rượu whisky sản xuất lậu với máy chưng cất hàn bằng chì cũng có thể có chì. -Thuốc lá nhả ra một lượng chì đáng kể. -Hộp kim loại hàn bằng chì để đựng thực phẩm. -Trong một vài mỹ phẩm (Kohl) hoặc thuốc nhuộm tóc, keo xịt tóc sản xuất từ các quốc gia Đông Nam Á châu, Ấn độ có hàm lượng chì khá cao Tại Việt Nam, ngộ độc chì là vấn đề thường thấy và gây ra nhiều ảnh hưởng xấu cho sức khỏe mọi người. Tuy nhiên, dường như dân chúng chưa ý thức được sự hiện diện và nguy hại của rủi ro này, vì thiếu hướng dẫn cũng như vì môi trường nơi đây còn quá ô nhiễm với mọi tác nhân gây bệnh. Ngoài các nguồn chì kể trên, chì còn đến từ thực phẩm thực vật như rau muống, rau rút, cần nước, ngó sen…được trồng ở nơi có nguồn chất thải kỹ nghệ chứa nhiều kim loại như chì, kẽm. Các loại bình thiếc chứa nước, chưng cất và đựng rượu có hàm lượng chì khá cao. Khói thuốc lá cũng có nhiều chì, mà bà con mình tiêu thụ thuốc lá có hạng trên thế giới. Ở vùng nông thôn, các em chơi bi làm các viên bi tròn bằng chì, đánh đáo với các cục chì dẹp, đúc chì làm vật nặng kéo dây câu cá hoặc phụ việc tại các cơ sở làm bình điện xe hơi, sửa xe…thường xuyên tiếp cận với chì. Các loại đồ chơi ngoài vườn làm bằng kim loại hàn chì rồi sơn với nước sơn pha chì, các bàn ghế nhỏ cho trẻ em chơi làm bằng nhựa phủ mầu sơn chì. Hàng ngày, trên các trục giao thông đô thị, xe cộ tắc nghẽn, khói xăng dầu thả ra rất nhiều bụi, khói chì vào khách qua đường, ngồi xe… Mực viết cũng có chì, rồi lại còn bút chì, đồ sứ như chén đĩa ly tách mẫu mã đẹp vẽ nhiều mầu sắc rực rỡ với chất mầu có nhiều chì phụ gia. Khi tiếp xúc với thức ăn nóng, thức ăn có chất acit như dưa chua, nước hoa quả, sữa, rượu bia, chì trong bột mầu sẽ thôi ra. Nhìn đâu cũng thấy chì….

Chì vào cơ thể bằng cách nào

Chì nhiễm vào cơ thể qua: -Qua đường hô hấp, khi bụi bặm và không khí theo hơi thở vào phổi rồi mau chóng chuyển sang máu. -Qua ăn uống thực phẩm có chì hoặc tay dính chì đưa lên miệng trong khi làm việc. Hàm lượng chì hấp thụ vào máu tùy theo tuổi và tùy theo lượng thực phẩm trong dạ dày. Khi ăn no, chỉ có 6% chì chuyển sang máu, còn lúc đói bụng thì có tới 60% chì vào máu. Với cùng số lượng chì ăn vào, trẻ em hấp thụ sang máu nhiều hơn người lớn. -Qua lớp da, tuy ít khi xẩy ra, đặc biệt là khi da bị trầy trụa, thương tích. Từ máu, chì chuyển vào các cơ quan như gan, thận, não, lá lách, cơ bắp, tim… Sau vài tuần lễ, đa số chì xâm nhập xương và răng và ở đó cả vài chục năm. Phần còn lại theo nước tiểu thải ra ngoài. Nếu thường xuyên tiếp cận với chì, hàm lượng chì trong cơ thể sẽ tích tụ mỗi ngày một nhiều.

Ảnh hưởng của chì với sức khỏe

Dấu hiệu của ngộ độc chì thường thường xuất hiện rất âm thầm, khó mà sớm phát giác. Chỉ khi nào chì tích tụ tới mức độ cao, bệnh mới rõ rệt nhưng các triệu chứng cũng không có gì đặc biệt. Ở trẻ em, nhiễm độc cấp tính khiến cho các em trở nên cáu kỉnh, kém tập trung, ói mửa, dáng đi không vững, lên cơn kinh phong. Trường hợp mãn tính, các em có dấu hiệu chậm trí, hay gây gổ, lên kinh thường xuyên, đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, đôi khi có thể đưa tới tử vong. Thường thường, trẻ em bị tác hại của chì trầm trọng hơn ở người trưởng thành, đặc biệt là dưới 6 tuổi vì hệ thần kinh còn non yếu và khả năng thải độc chất của cơ thể chưa hoàn chỉnh. Một số em có thể bị nhiễm ngay từ khi còn ở trong lòng mẹ hoặc bú sữa mẹ có hàm lượng chì cao. Tới khi lớn, các em tiêu thụ thực phẩm có chì, nuốt chì lẫn trong đất, bụi khi bò chơi trên mặt đất hoặc ăn các mảnh vụn sơn tường nhà cũ.

Khi ngộ độc chì, người lớn hay than phiền đau tê ở đầu ngón chân, tay; bắp thịt mỏi yếu; nhức đầu, đau bụng, tăng huyết áp, thiếu máu, giảm trí nhớ, thay đổi tâm trạng, xảy thai, kém sản xuất tinh trùng… Lâu ngày, bệnh trở thành mãn tính, đưa tới suy thận, tổn thương thần kinh ngoại vi, giảm chức năng não bộ.

Chẩn đoán

Thử máu là phương thức hữu hiệu để đo mức độ chì trong máu. Chỉ cần lấy một chút xíu máu ở tĩnh mạch hoặc đầu ngón tay là đủ. Mức độ không an toàn của chì trong máu là từ 10mcg/dl trở lên.

Điều trị

Điều tiên quyết trong chữa trị ngộ độc chì là phải chấm dứt tiếp cận với nguồn phát sinh ra kim loại này để giảm nồng độ chì trong máu. Ngộ độc trầm trọng được điều trị với một loại thuốc đặc biệt mà khi vào cơ thể, thuốc sẽ bám vào chì để thải ra ngoài theo nước tiểu.

Phòng ngừa ngộ độc chì

Sau đây là mấy biện pháp để giảm thiểu và bảo vệ với ngộ độc chì: 1.Nhờ một chuyên viên hóa chất kiểm soát coi căn nhà mình đang ở có tàn dư chì hay không, đặc biệt nếu là nhà xây cất trước năm 1978.

2.Nếu sinh sống tại vùng có rủi do ngộ độc chì, nên áp dụng các phương thức phòng tránh như sau: -Rửa tay trước khi ăn và trước khi đi ngủ, đặc biệt là với trẻ em chơi dưới đất. -Thường xuyên lau sạch sàn nhà, bàn ghế với khăn ướt -Đừng cho con trẻ chơi gần trục lộ giao thông, cầu cống -Ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, đặc biệt là nhiều sắt và calci, để giảm thiểu sự hấp thụ của chì từ bao tử vào máu. - Nếu trong nhà có hệ thống ống dẫn nước bằng chì, hãy để nước chẩy tự do từ 30-60 giây trước khi dùng để loại các vẩn chì. Nên uống nước lạnh từ ống, vì nước nóng hấp thụ chì nhiều hơn, nhất là không nên dùng nước nóng trong vòi nước để pha sữa cho trẻ em. Ta có thể hỏi cơ quan y tế tại địa phương hoặc công ty cung cấp nước để coi xem có thể thử nghiệm chì trong nước. Trong nước, chì không cho mùi vị hoặc mầu sắc nên khó biết -Tắm rửa, thay quần áo, dày dép trước khi về nhà, nếu làm việc nơi có chì. 3.Tu sửa nhà cũ có sơn pha chì: -Mang thiết bị và mặc quần áo bảo vệ trong khi làm việc. -Không ăn uống nơi nghi có chì -Dùng giấy nhám đặc biệt để loại bỏ sơn có chì trên tường hoặc cửa.

Kết luận

Tiếp cận ngắn hạn với sơn có pha một số lượng rất nhỏ chì ít khi đưa đến ngộ độc. Tuy nhiên nếu tiếp cận lâu ngày dù rằng ít một, e rằng sẽ có nhiều nguy hại, đặc biệt là với trẻ em. Đồ chơi trẻ em nhập cảng từ Trung quốc bị thu hồi trong thời gian vừa qua không đáp ứng đòi hỏi an toàn của Hoa Kỳ, vì được làm đẹp với loại sơn pha chì quá cao. Do đó xin các bậc phụ huynh vứt bỏ ngay các đồ chơi này. Nếu các em đã chơi với chúng từ lâu ngày, nên hỏi ý kiến bác sĩ gia đình coi có cần thử mức độ chì trong máu các em. Bác sĩ Nguyễn Ý-Đức Texas-Hoa Kỳ.