MỘT CHUYẾN XUÔI NAM

Nguyễn Tấn Đủ

Tiếng bánh xe máy bay chạm đất ở phi trường không che được tiếng tim tui đập mạnh với bao cảm xúc của lần đầu tiên đến được kinh thành Thăng Long. Sau vài ngày thăm viếng những nơi mà tui đã nghe tiếng từ lâu, tui từ giã Hà Nội 36 phố phường để lên đường xuôi Nam.

Chùa một cột

Chùa Một Cột

Chuyến xe lửa Thống Nhất rời ga lúc nữa đêm, khi trời hừng sáng thì đã chạy đến Đồng Hới. Cả đêm tui háo hức đợi hoài cho trời mau sáng. Rồi màn đêm cũng trôi qua, trong ánh sáng lờ mờ của buổi ban mai tui thấy mấy bác nông phu đang vác cày ra đồng, thấy những con bò lững thững đi trên bờ ruộng bé tí teo, và thấy làng mạc Việt Nam đang bắt đầu một ngày mới lúc người quanh tui còn say sưa trong giấc ngủ vùi.

Trong toa xe   Đồng ruộng ban mai  
Tàu lửa xuôi Nam   Đồng ruộng ban mai  

Trời sáng thêm tí nữa tui thấy có bác nông phu đi sau con bò, và phía trước có thằng bé đang phụ kéo cho thẳng đường cày . Có mấy cô thôn nữ lom khom cấy lúa trên đám ruộng sũng nước bùn đen. (*)

Có lúc hai bên xe toàn là đồi núi chập chùng với những bóng cây che kín cả đường đi, có nơi dấu tích chiến tranh vẫn còn in đậm với những ngôi mộ san sát bên nhau.

Trời sáng hẳn thì cũng là lúc xe vượt sông Bến Hãi, tui nhìn cây cầu dưới chân với những cảm xúc lặng người.

Xe qua La Vang với những bãi cát vàng cùng cành cây thấp thấp, qua sông Thạch Hãn với dòng nước xanh xanh, rồi ngừng lại ở Huế vào lúc gần trưa khi thành phố đã nhộn nhịp người đi.

Từ giả chuyến tàu đêm, tui đi ăn vài tô cơm hến rồi đi thăm cố đô, bún bò Huế đậm đà hương vị Huế ăn thiệt ngon, và mấy cô gái Huế ngọt ngào giọng nói Huế nghe thiệt là dễ thương

Sáng hôm sau tui tiếp tục xuôi Nam bằng xe hơi, bác tài dễ dãi ngừng lại nhiều lần cho tui được nhìn những cảnh đẹp của quê hương. Lăng Cô mát rượi với bãi biển tuyệt vời, đỉnh đèo Hải Vân với núi đồi hùng vĩ, rồi thành phố Đà Nẵng hiện ra với những xa lộ hiện đại đang xây cất. Phố cổ Hội An với những con đường bé li ti. Phố Non Nước với những xưởng làm đồ đá san sát nhau và với những sản phẩm bằng đá đẹp chưa từng thấy.

Đặc sản Non Nước Vịnh Lăng Cô Đèo Hãi Vân  
Đặc sản Non Nước Vịnh Lăng Cô Hải Vân  

Nghỉ đêm ở thị xã Quảng Ngãi rồi sáng hôm sau tui lên đường đến thị trấn Sông Vệ, tui mừng vô cùng khi nhận ra quán mì quảng năm xưa vẫn còn đó, tô mì quảng thân thương vẫn ngon như ngày nào, tôi sung sướng ăn từng sợi mì mà nhớ mãi đến những kỹ niệm xa xưa. (**)

Bên bờ sông Vệ con đường cái quan đưa tui về ngôi làng cũ ngày xưa. Qua khỏi ngôi trường tiểu học thì hết đường cho xe chạy. Thôn Bình An của tui ở tận cuối sông, nhưng bà con hàng xóm ngày xưa của tui đã dọn hết nhà lên đây khi còn chiến tranh, nhà nào cũng vách gạch mái ngói, bên những cây cau cao thẳng tắp, hay bụi chuối, khóm tre xanh xanh . Tui vào căn nhà đầu tiên để hỏi thăm đường, vô tình lại đúng nhà bà cô tui. Ba bốn mươi năm không gặp, cô tui ngỡ ngàng trong giây lát rồi ôm chầm lấy tui khi nhận ra thằng cháu ngày nào.

Theo hướng dẫn của cô, tui đi bộ theo đường mòn bên sông, băng qua một đám bắp non, lội qua vài vườn ớt chín đỏ , băng qua mấy luống cà trắng, qua một con kinh nước cạn thì tới chỗ căn nhà ngày ấu thơ của tui.

Thị trấn Sông Vệ Ngôi nhà của tui đâu rồi Xóm làng xưa  
Thị trấn Sông Vệ Ngôi nhà tôi  ?? Xóm làng xưa  

Căn nhà trong ký ức của tôi giờ đây chỉ còn sót lại một nền đất bơ vơ. Tui nghẹn ngào nhìn cảnh vật đổi thay, không những thôn Bình An đã bị xóa tên, mà căn nhà thời thơ ấu của tui cũng không còn nữa.

Chỉ có dòng sông Vệ là vẫn lững lờ trôi, nước mưa từ đông Trường Sơn vẫn theo sông chảy ra biển, cuối con sông Vệ tui còn thấy bãi biển cát trắng xa xa. Bến đò ngang tuy có nhiều đổi thay song con đò nhỏ trông vẫn giống như con đò đưa chị tui sang ngang ngày xưa. (**)

Bên dòng sông Vệ   Biển Sa Hỳnh  
Bên dòng sông Vệ   Biển Sa Huỳnh  

Từ giả thị trấn Sông Vệ tui ghé Sa Huỳnh, một bãi biển rất đẹp nhưng vẫn còn nét hoang vu, chạy ngang Tam Quan với những rừng dừa ngút ngàn, con đường đến Quy Nhơn xe cộ dập dìu hơn lúc trước. Thành phố Quy Nhơn rộng lớn hơn xưa nhiều, và ngôi trường trung học của tôi nay cũng đã đổi tên. Cảnh cũ vẫn còn đó nhưng người xưa chẳng còn ai.

Qui Nhơn ngày về Biển Đại Lãnh Biển Dốc Lếch  
Quy Nhơn ngày về Biển Đại Lãnh Biển Dốc Lếch  

Đường từ Quy Nhơn xuôi Nam nằm giữa vách núi đông Trường Sơn xanh tươi cây lá và những bãi biển với hàng dương liễu nên thơ hay những cây dừa cao chót vót. Bãi biển Đại Lãnh đã đẹp hết chỗ chê mà biển Dốc Lếch cũng xinh tươi không kém. Tui dậy sớm và dạo bộ xuống làng đánh cá bên cạnh xem phiên chợ đầu ngày, người ta đã đi đánh cá cả đêm qua và đang họp chợ ngay trên bờ biển gần khu du lịch. Nhìn những rổ cá nhỏ nhoi với những con cá li ti, tui thấy cảnh nghèo khó của quê hương không chỉ có trên những đám ruộng khô cằn mà còn trên cả bờ biển xinh đẹp này.

Nha Trang đón tui đến với những cơn gió mát từ biển và những tà áo dài của ngày hội Festival ở đây. Giá nơi ăn chốn ở của thành phố này thì cũng vừa túi tiền, nhưng bên đảo Hòn tre thì chẳng rẽ tí nào, khách sạn Hòn Ngọc Việt Nam bên đó có phòng giá cả ngàn đô một đêm, và muốn vào bờ biển ở đó xem chơi họ cũng tính cả mấy chục đô la một ngày. Cùng một quê hương nhưng biết bao giờ mấy bác nông phu, mấy anh đánh cá mới đến được khu du lịch này.

Resort Dốc Lếch Chợ cá Dốc Lếch Biển Nha Trang  
Dốc Lếch Chợ cá Dốc Lếch Biển Nha Trang  

Chuyến xe lửa chiều đưa tui rời Nha Trang, hai bên đường tui thấy nhiều đám ruộng có máy cày thay trâu, đây đó có những nhà máy to lớn nhộn nhịp xe ra xe vào, hình ảnh của một sự chuyển tiếp từ nông nghiệp sang công nghiệp.

Phố Hòn Tre    
Hòn Tre   Nha Trang  

Qua khỏi Mũ Né xinh đẹp thì dãy Trường Sơn đã lùi lại phía sau. Trời tối thật nhanh, xong bữa cơm tối trên tàu thì thành phố Sài Gòn đã hiện ra ở cuối đường với đầy dẫy những xe cộ dập dìu cùng đèn màu rực sáng.

Đường từ Bắc vô Nam của tui đã đến trạm cuối, song những hình ảnh trên đường đi vẫn còn mãi mãi trong tui. Mới chỉ nhìn được ở phía đông Trường Sơn mà tui đã thấy quê hương mình xinh đẹp vô cùng.

Tư Texas

June 2007

(*): Mời xem "Con bò cày" cùng một tác giả

(**): Mời xem "Bên dòng sông Vệ" cùng một tác giả