Ông thợ giầy và cô con gái

trích ‘Mua cần câu cho ông tôi’,
tác giả : Cao Hành Kiện, Nobel 2000
Nguyễn Hồi Thủ dịch từ tiếng Trung Quốc

Khi chúng tôi dậy sớm đi ra bờ sông thì nhìn thấy Ðại Kinh Tử, cô ta đã chết. Tôi ra sông gánh nước, sáng sớm nước sông mát mẻ, chưa có người giặt dũ. Thím Trương đi vo gạo, nhà thím ở phía bờ sông cao. Tôi đứng trên cầu rửa, vừa xách thùng nước đến, ngửng đầu lên một cái thì thấy nổi lềnh bềnh phía dưới gốc liễu nước cong queo một bọc quần áo. Tôi cho là ai đó trước đấy đã giặt đồ nhưng vô ý mới để quần áo bị nước cuốn đi. Quay đầu nhìn lại chỉ thấy có mỗi thím Trương. Tôi liền gọi : "Thím Trương ơi, quần áo nhà thím bị nước cuốn đi kìa !" Thím đáp : "Làm gì có, tôi đang vo gạo mà" Tôi mới đặt gánh nước lên trên bờ, đến tận nơi xem. "Ối trời ơi, chết tôi rồi !", tôi hét lên. Thím Trương chạy ngay lại, rồi chúng tôi xô đến gần. Chẳng phải là một người hay sao ? Quần áo gì đâu ? Mặt ngửa lên, đầu vẫn chìm trong nước, lại là một cô gái... mà. Chẳng phải là cô con gái của ông thợ giầy, Ðại Kinh Tử, hay sao ? Chân cẳng chúng tôi đều bủn rủn cả. Sáng tinh mơ, trên bờ sông chỉ có mỗi hai chúng tôi. Chúng tôi gào to :
"Ối làng nước ơi, lại đây, lại đây, có người chết đuối !"

Người đầu tiên là thím Trần từ trên dốc xuống, tay đang ôm ra giường. Sau này thím bảo nếu thằng Nhị Mao nhà thím mà không đái dầm ra giường thì thím chẳng phải ra sông giặt đồ sớm như thế làm gì. Sau đó là lão Lý chủ quán đậu phụ cũng nghe thấy tiếng gọi mà đến.

"Mấy người đứng nhìn gì thế ? Không nhanh mà kéo người ta lên à ! Tiếng lão Lý kêu, chúng tôi mới xuống nước vớt người, giầy cũng chẳng kịp cởi. Nhưng làm sao kéo lên được ? Tóc đã quấn hết cả vào rễ cây thế này, hai bím tóc dài tết thật đẹp, mầu tóc đen nhánh óng ả nhường nào giờ đã thành một mớ bòng bong.
- Ðã tắt thở từ lâu ! Lão Lý nói thế. Chị có nhớ không ?

Ðến lúc chúng tôi kéo được thi thể lên thì trên bờ đã đông người. Ai cũng đều nhìn thấy, nó là như thế, và cũng đã hơn năm giờ sáng, hoặc nhiều lắm thì cũng chưa đến sáu giờ. Trời đã sáng rõ, mặt trời tuy chưa ló dạng, nhưng bên kia sông phía trên rừng táo bầu trời vừa ửng hồng. 

Sau đó, có người gọi : ""Làm hô hấp nhân tạo đi !""

Bọn tôi mấy đứa con gái chẳng ai có cái tài đó, bọn đàn ông thì không muốn động tay, người ta còn là một cô gái trinh mà.

Ðã lâu thế rồi thì còn cứu gì, mặt đã trắng bệch như tờ giấy, môi thâm đen sì, không có một tý sắc máu nào. Bụng lại chương phình, ôi, trông tội nghiệp quá. Một cô gái thật tốt, vừa dậy thì, đang độ mơn mởn đào tơ, chỉ khoảng mười bẩy, mười tám tuổi, ngoan ngoãn hiền lành, thật thà chân chất, hễ gặp người lạ hỏi chuyện là mặt lại đỏ bừng. Không bao giờ cô dính líu đến những chuyện lộn xộn đấu đá, lại cũng hề ai thấy cô từng điên khùng gì cả. Trong nhà giặt dũ áo quần, bếp nước đều một tay cô, lại còn trông nom đứa em nhỏ của cô là Tiểu Bảo nữa.

Mẹ cô mới bị bệnh mất năm trước. Trên cô còn có một chị gái, đã đi lấy chồng rồi, chỉ còn mỗi cô cùng đứa em trai và ông bố sống với nhau. Cái lão già quỷ này không biết là loại gì, hễ cứ động đến là đánh đập ! Cứ như thể không phải con đẻ của y hay sao ấy chứ ? Bà mẹ quả thật là một con người tốt, đối với chúng tôi đều cứ như chị em. Hợp tác với người khác mở một sạp hàng bán rau, bà nuôi ba đứa con khôn lớn có phải dễ gì đâu. Một tay lão già đóng giầy, phỏng kiếm được là bao ? Mấy năm đó cái gì cũng  đều nằm trong "tổ chức", không cho phép làm tư, vì như thế sợ sẽ thành tư bản chủ nghĩa ! Cái lão già này còn có tật uống rượu, mà lão uống như thùng thủng đáy, hễ mở mồm là chửi, giang tay là đánh. Vợ con là chỗ để lão trút tất cả tức giận, làm ầm ỹ cả bốn bề phường xóm không ai được yên với lão. Mẹ Ðại Kinh Tử chưa quá năm mươi mà đã héo mòn. Bà chết rồi, lại đến lượt con gái bị đánh. Thằng con trai thì từ trước đến giờ lão không nỡ đánh một cái. Có ai đó bảo Ðại Kinh Tử mệnh bạc, đầu thai làm thân con gái. Giống như hễ là con gái thì phải trả nợ, đó là nếp sống ở thị trấn này. Trong thành phố thì không thế, các cô gái trẻ đều trang điểm lộng lẫy, ăn mặc đẹp như hoa. Thế mà chưa bao giờ thấy Ðại Kinh Tử mặc trên người một thứ quần áo vải hoa. Nói thật ra thì có cô gái nào mà không thích đẹp ? Huống hồ một cô gái sáng sủa, tươi mát với đôi bím tóc đen nhánh mượt mà óng ả như thế. Ôi, nói những thứ này thì có ích gì ? Không hiểu cái gì đã khiến cho cô bị sinh ra trong cái gia đình như thế ?

Tại sao cô bị đánh ? Vì cơm nấu nát, vì trời tối sang thăm bên hàng xóm, vì đứng một lát ở bậu cửa, vì có cậu bé nào đó tìm cô để nói câu chuyện, tất cả đều là những chuyện khó tránh bị chửi đánh. Ai đời lại dậy dỗ con kiểu đó không ? Mẹ mới mất, đang học trung học năm thứ nhì đã bị bắt phải nghỉ, ông giáo Tôn ở trường trung học đến nhà vận động, nói hết lời, lão già cũng không mở miệng. Ðến lúc ông giáo Tôn vừa bước khỏi bục cửa, lão già mới bảo : ""Tao cho tiền để mày thành điên à ?"" Học trò tổ chức tiết mục nhẩy, y bảo là bọn điên ; còn bảo học nhiều thì để dùng vào việc gì ? Sớm muộn rồi cũng chỉ đem gả cho người khác mà thôi ! Anh bảo như thế thì còn nói gì được với lão nữa ?

Con gái chúng tôi vốn ngồi cùng bàn với Ðại Kinh Tử, chị chị em em rất thân thiết. Ðến nhà tìm Ðại Kinh Tử , nói : ""Ngày mai hợp tác xã có xe chở lợn sống lên huyện, chị em mình đi vào thành xem phim đi, mẹ tớ bảo để tớ mua cả vé cho cậu nữa"". Lão già liền phát ngôn : "" Phim phiếc gì ? Ðừng có mà xem những thứ nhố nhăng !"". Lão bảo trong phim toàn những thứ ôm ôm ấp ấp thì có gì là hay ho. Nhưng xem phim ảnh cũng có thể là giáo dục chứ, các vị thấy thế nào ?

Lúc còn chưa xẩy ra chuyện này, chị Trương nhà anh chả bảo về ông ta là : ""Chỉ thiếu điều đánh lấy cái xích sắt"". Cậu Ngô ở tiệm cắt tóc bên cạnh, vườn nhà cậu tiếp giáp với vườn nhà ông thợ giầy, có lần cậu này tưới vườn, Ðại Kinh tử đang hái rau, hai người đứng nói chuyện bị ông lão về bắt gặp, thế là lại một trận chửi rủa, toàn những thứ khó mà nghe cho lọt lỗ tai, lão không hề sợ bẩn mồm, nhưng mọi người có thích bị bẩn tai đâu ! Chỉ tội con gái lớn như thế, không biết che mặt bằng gì ?

Ðại Kinh Tử đến nhà chúng tôi, đều là chỗ hàng xóm láng giềng, cũng phải hỏi năm ba câu, tại sao bố cháu lại đánh cháu ? Cô chỉ khóc, chúng tôi thôi không dám hỏi thêm nữa.

Ngay cả đến sách lão cũng cấm con bé đọc, cứ cầm quyển sách đọc là như  đang làm chuyện bại hoại, len lén nhét vào lưng đem đi rồi lại len lén đem về. Có một lần, không nhớ cái quyển ấy gọi là gì ?  - Ðúng rồi, là : "Thanh niên Trung quốc", nó là một quyển khổ lớn, đúng, là tạp chí. Lão nhìn thấy quyển sách, liền đem ngay nhét vào bếp lò, đốt luôn. Ðó là quyển con bé nhà tôi mượn ở thư viện trường học, nên lại phải bồi thường mất mấy hào. Ðó chẳng phải là sách giúp thanh niên học giỏi hay sao ! Lão già, cả mấy chữ lớn ngoài bìa cũng không đọc được, chỉ thấy có ảnh nữ học sinh đang tập thể dục, nói rằng không mặc quần để lộ cả đùi ra. Con bé nhà tôi đến đòi lão đền sách, lão cũng nói y hệt như thế với nó, lại còn bảo : ""Mày mà còn đưa cho nó xem những sách bậy bạ thì đừng có bước vào nhà tao nữa !"" Cái lão quỷ này không phải chúng tôi nguyền rủa y, nhưng như thế là đáng kiếp cho y, bức chết con gái của chính mình thì bản thân số phận cũng chẳng thể nào kết cục đẹp đẽ được !

Các người hỏi thế lão thợ giầy, y đã đến hiện trường chưa phải không ? Dĩ nhiên là lão đã đến rồi. Nói thế nào thì nói cũng vẫn là con của lão chứ. Thể nào cũng có người đến gọi lão thôi. Lão xỏ vội giầy vào rồi chạy đến. Cà thọt cà thọt vì một bên chân lão hơi què, có lần đã bị bại liệt, chẳng qua vì uống quá nhiều rượu. Thấy lão đến, không ai nói năng gì, mọi người đều dãn ra xem hai cha con lão nhận nhau như thế nào.

Lão già khuỵu chân xuống, ngã quỵ trên kè đá bên sông, không ngóc lên được nữa. Lão không khóc nổi ư ? Nằm đấy là đứa con gái của chính lão sinh ra. Lão run lẩy bẩy, bò đến bên cạnh con, nắm lấy tay Ðại Kinh Tử rồi khóc hu hu, trên trán lồi lên tất cả đám gân xanh. Quả tim ai không là da thịt. Ðáng đời lão ! Mà lạ thật, cũng thấy đáng thương.

Sau đó phải tìm một tấm ván để khiêng Ðại Kinh Tử về nhà, đặt cô nằm ở gian giữa nhà cô. Mỗi người đều khuyên nhủ vài ba câu, rồi chẳng biết nói gì khác, chúng tôi giải tán. Từ nhà lão đi ra, đã nghe được những điều chẳng có gì hay ho, trên đường lúc đó mọi người đều xầm xì bàn tán. Cách vách tường là phường hàng dầu, ông kế toán Ðại Ma Tử và mấy người nhà ông ấy mới kể cho chúng tôi nghe, đầu đuôi câu chuyện nó như thế nào ?

Tối ngày hôm trước, lúc đèn điện vừa sáng đã nghe tiếng ông già đập bàn quát mắng. Không phải đều là nhà bằng gỗ cả hay sao ? Cách một tấm tường ván thì có gì mà không nghe thấy ? Lão già không biết nghe từ cái mồm bép xép nào nói rằng Ðại Kinh Tử đã nói chuyện với người đàn ông nào đó dưới rừng liễu hồng bên cạnh sông. Lão đập bàn tra hỏi con gái. Trước hết chửi con gái không biết dơ mặt, bắt con phải khai ra, ngày hôm đó, từ giờ nào đến giờ nào, đi đâu, gặp ai. Sau đó là đánh đập, chửi rủa nào là đồ dâm đãng, dụ dỗ đàn ông, rồi những thứ không thể nào nghe lọt lỗ tai được, nói lại chỉ bẩn mồm. 

Một cô gái nhỏ làm sao chịu nổi ? Sau đó Ðại Kinh Tử khóc, còn lão già thì đánh. Ma Tử cả gia đình và hai bên hàng xóm không thể không nghe thấy, các người có thể đến hỏi xem. Thế không ai sang khuyên can gì à ? Ai mà muốn dính đến cái chuyện xúi quẩy như thế ? Lại không biết cái con quỷ thất đức nào đã rỉ tai cho lão già cái tin đó. Kỳ thực, cô Ðại Kinh Tử, chúng tôi đều nhìn thấy cô ấy lớn lên, hoàn toàn làm gì có việc như thế. Dù có nói chuyện cùng ai đi nữa, một cô gái lớn như thế, có thể dậy bảo một cách êm thắm bộ không được hay sao ? Ôi, đầu thai thành con gái quả thật là tội nợ.

Chết làm sao ? Chết như thế đấy. Tôi và thím Trương, chúng tôi mọi người tại bờ sông đều đã nhìn thấy. Người xấu ư ? Chưa bao giờ nghe nói đến. Ấy, Các người hỏi ông thợ giầy, cái lão già đó ư ? Ông ta không phải là người xấu, không thể làm việc như thế. Ðiều này chúng tôi cũng không thể nói mò được, dù người ta đã chết ; vì ngay buổi chiều hôm ấy ông ta đã qua đời.

Mọi người đã rã đám hết rồi ư ? Thi thể đã khiêng về đặt trong gian nhà chính của ông thợ giầy. Ông lão ở đó giữ xác chết, y ngồi ngây người trên một cái ghế đẩu nhỏ bằng gỗ. Cửa gian nhà chính nhìn ra đường cái, người qua đường đều nhìn thấy rõ. Ðối diện bên kia đường là một tiệm tạp hoá, anh họ Ðiền to lớn  đang đứng bên bệ tủ hàng. Ðến giữa trưa, người từ quê ra chợ đều đã vắng, những kẻ tò mò quanh đường cũng đã về nhà ăn cơm. Từ sau bệ tủ của mình anh chàng to lớn có thể nhìn thấy được bên trong gian nhà chính của ông thợ giầy. Ông lão vẫn ngồi, ngồi suốt. Trước tiên là đập đầu như người ngủ gật, sau đó là lệch người đi rồi ngã xuống đất không dậy nữa. Anh chàng cao lớn không để ý, mà cũng không muốn động đến ông lão. Thấy ông ta cả nửa ngày không ngồi dậy, anh mới sang đường đi vào bên trong nhà, đỡ ông ta dậy thử xem, thì thấy mặt đã tím như gan lợn, mồm cũng méo xệch đi, thế mới hô hoán lên. Chờ để kéo đến được nhà thương ở phía đường đồ gỗ thì đã không cứu được nữa rồi. Anh chàng cao lớn kia đã tận mắt thấy, các người cứ đi hỏi mà xem. Chuyện là như vậy. 

À, còn Tiểu Bảo ? Tiểu Bảo thì nhờ được người chị cả đã lấy chồng về đem đi. Sau khi thu xếp xong hậu sự, ngay ngày hôm ấy họ đã bỏ đi, cái nhà ông thợ giầy chỉ trong phút chốc đã trống không, trên cửa dây xích khoá.

Các người ạ, cứ đến điều tra xem cũng được, các người đều là cán bộ huyện, là những kẻ có văn hoá, lại đã từng trải việc đời. Các người bảo là không, trong thành làm gì xẩy ra được chuyện như thế ư ?
 

Bắc Kinh, ngày 17 tháng 2, năm 1982.

Nguyễn Hồi Thủ dịch từ tiếng Trung Quốc 
từ sách ‘Mua cần câu cho ông tôi’,
tác giả : Cao Hành Kiện, Nobel 2000
NXB Liên hiệp văn học, Đài Loan, 1989
 trang 95-100.

 

Bị chú : Bài đã đăng trên Chim Việt Cành Nam. Chia sẻ trên ERCT với sự đồng ý của anh Nguyễn Hồi Thủ

 


® "Khi phát hành lại thông tin từ trang này cần phải có sự đồng ý của dịch giả 
và ghi rõ nguồn lấy từ www.erct.com"