Ánh Mắt Lưu An (Exryu Thụy Sĩ)
Lời giới thiệu: ( Lá thư
không gửi ) Cháu Chuyên thương mến
của cậu, Cậu của cháu.
(Bình) & Gửi cho S. để cháu hiểu rằng
cậu chẳng bao giờ quên cháu ! Từ ngày
gia đình tôi dọn đến căn nhà
mới, chật chội hơn, nhưng gần
chợ để tiện cho mẹ tôi buôn bán,
việc học hành của tôi ở nhà trở lên
khó khăn và phiền phức hơn. Vơí căn
nhà chỉ rộng có vài chục mét vuông,
phải chia xẻ chỗ ăn ngủ cho một
gia đình 10 người đã là một sự
khó khăn rồi, làm sao còn tìm được
một chỗ dành riêng cho chiếc bàn đủ
rộng để anh em chúng tôi ngồi học hành
thoải mái được nữa ! Ban ngày tôi có thể mang sách đến
thư viện để học được, nhưng
ban đêm hay cuối tuần, thư viện đóng
cửa thì đúng là một điều rất khó
khăn để tìm một chỗ ngồi
học .Cuối cùng rồi tôi đã tìm
được một giải quyết, nhờ có
một người bạn khá thân cùng học
với tôi thời trung học, gia dình anh ta khá
giả, có nhiều nhà cho mướn. Mẹ anh ta
vì muốn cho con mình có bạn bè để cùng
nhau học hành, đã đồng ý cho tôi và
mấy người bạn khác, cùng lứa
tuổi, ở nhờ một căn nhà riêng
biệt của bà trong một xóm đạo
gần ngã ba Ông Tạ. Chúng tôi chỉ dùng căn nhà
để học hành và ngủ đêm, hoàn toàn
không nấu nướng, ngoại trừ một
chiếc bếp điện dành cho viêc nấu nước
pha trà và cà phê mà thôi .Trong số bạn bè,
chỉ có tôi là sinh viên của đại học
chuyên nghiệp, việc học hành, thi cử
của tôi rất ư cực nhọc. Mỗi ngày,
tôi phải dậy sớm, chạy xe đến
giảng đường để theo cours, có
điểm danh rồi mãi đến chiều
tối mới về nhà. Việc thi cử xẩy
ra quanh năm, học hết môn nào thi môn nấy,
có thể nói, trong suốt khóa trình học chuyên
nghiệp của tôi, con ma thi cử luôn luôn đứng
bên cạnh đưa cho tôi những cực
nhọc và lo lắng. Ngược lại, những người
bạn của tôi, họ học ở các phân khoa
có tính cách tự do, như Khoa học, Luật
khoa, Văn khoa... Việc đến giảng
đường theo cours được coi như
hoàn toàn tự ý. Ngay việc thi cử của
họ cũng được tổ chức định
kỳ và có thời khoá biểu rõ ràng ai muốn
thi thì thi, ai không muốn thì thôi chờ khoá khác. Chính vì nghành học khắc
nghiệt như vậy, tôi bắt buộc
phải chăm chỉ và thu mình vào khuôn thước
và thời gian. Phải giới hạn rất
nhiều những cuộc đi theo bè bạn rong
chơi, ăn nhậu ở các hàng qúan, phải
dậy sớm vào buổi sáng, đều đặn
đến trường mỗi ngày. Ban đêm
về nhà còn phải chong đèn học hành đến
khuya, nhiều khi suốt đêm vì thi cử. Với sự chăm chỉ
học hành vì nghành học bắt buộc đó,
tôi đã vô tình '' nổi tiếng '' là người
học giỏi,
chăm chỉ học hành, người sinh viên đàng hoàng, không bị sa ngã vào cờ
bạc, nghiện hút ở
cái xóm đạo dễ thương,nhiều
kỷ niệm đó. Những tiếng tốt,
lời khen cũng như cảm tình của
những người trong xóm dành cho tôi một cách
tự nhiên mà tôi cũng không ngờ được,
hoàn toàn ra ngoài dự đoán và mong muốn
của tôi. Trong xóm, có một gia đình đã
in sâu vào trí nhớ, tâm hồn tôi những
dấu ấn tình cảm rất chân thành,
những hình ảnh rất
đẹp của thời gian sinh viên, học hành
cực nhọc của tôi. Cô bé tên Chuyên, người
con gái lớn của gia đình đó đã có
với tôi rất nhiều kỷ niệm đẹp,
chúng tôi quen nhau dưới một trạng
huống hoàn toàn trong thanh. Tôi đã nhìn cô bé
bằng một nhãn
quang gần như cố định, không thay
đổi trong hơn 2 năm trời trọ
học của tôi dưới khuôn phép đàng hoàng
, thân ái của tình '' Cậu Cháu ''. Lúc tôi đến trọ học
tại xóm, Chuyên mới 14 tuổi, học sinh
lớp đệ ngũ của trường trung
học Ðồng Tiến, không qúa xa nhà. Chuyên là
chị cả của 4 đứa em trai, trong đó
có chú bé tên Hợp, kém Chuyên một tuổi tánh
tình ham chơi, việc học hành của nó luôn
luôn bị than phiền bởi nhà trường, vì
vậy ba mẹ Chuyên đã nhờ tôi kèm học
cho cậu bé . Ông Lập, ba của Chuyên là công
chức của một cơ quan ở Sàigòn,
mẹ Chuyên ở nhà, thỉnh thoảng nhận
những nông sản từ Cảnh người em
trai của bà mang lên từ Cái Sắn lên, rồi
bà đem bỏ mối cho ngôi chợ gần nhà.
Cảnh, cậu ruột của Chuyên, hơn tôi 6,
7 tuổi, mỗi lần lên Sàigòn, anh ta cư
ngụ ở gia đình Chuyên hàng nhiều
tuần lễ. Cảnh và tôi rất thân tình, chúng
tôi gọi nhau bằng anh em. Một buổi chiều, cũng như
mọi lần, sau khi học hành xong, từ căn
nhà trọ tôi xách xe ra đường, sửa
soạn về nhà ăn cơm tối. Vừa ra
khỏi cổng nhà vài bước tôi gặp bà
Lập đang đi ngược lại hướng
tôi, bà gật đầu chào và hỏi tôi : - Chào cậu Bình, cậu đi
đâu vậy ? - Chào bà Lập, cháu về nhà ăn cơm tối ạ. Ðó là những câu chào hỏi
rất thông thường, được lập
đi lập lại giữa tôi với những người
trong cái xóm đạo đó, mỗi khi gặp
mặt nhau ở giữa đường. Nhưng
lần này khi vừa đi qua mặt tôi,bà
Lập đứng lại vơí một tí
ngập ngừng, rồi bà nói với tôi: -Cậu Bình, cậu khỏi
phải về nhà ăn cơm nữa, cậu sang
nhà tôi ăn cơm với ba cháu, tôi vừa
nấu một nồi bún ốc, cậu ăn
thử xem sao. Hôm nay lại có cậu Cảnh, em
ruột của tôi từ Cái Sắn lên cũng là
một dịp để hai cậu quen với nhau
cho vui . Một phần vì lười biếng không muốn về nhà, nhưng phần lớn vẫn là tánh thèm ăn của mình, lại nghe đến món bún ốc, chưa biết ra sao nhưng chắc chắn ngon và đậm đà hơn bửa cơm qúa đơn giản của gia đình tôi, gần như hàng ngày đều có món rau muống luộc hay xào làm căn bản, tôi đã chẳng một tí ngại ngần vui vẻ nhận lời mời của bà Lập ngay. Rồi từ bữa cơm quen nhau
đó, thỉnh thoảng tôi lại được
ông bà Lập cho mấy chú em sang tận nhà
trọ của tôi, mời tôi sang ăn cơm hay
uống trà, ăn bánh hoặc nhâm nhi những món
thổ sản do Cảnh mang từ Cái sắn lên. Lần nào cũng vậy, Chuyên luôn
luôn dành cho tôi những sự tiếp đãi, săn
sóc rất chân thành,sự thân tình và quen
thuộc đã nẩy nở rất mau giữa tôi
và mọi người trong gia đình Chuyên.
Những câu đùa dỡn của tôi và Chuyên cũng
như với tất cả mọi người
trong gia đình, rất tự nhiên, trong sáng, hoàn
toàn không mang một ẩn ý gì,
ngoài việc mua vui bằng những nụ cười
thân thương trong gia đình.Tôi luôn luôn nhìn
Chuyên, đối đãi với cô bé 14 tuổi
chẳng có gì đặc biệt hơn vị trí
của một cô cháu gái. Nhiều lần, trong khi tôi dậy
học cho Hợp hay chăm chú vào bài vở
của mình ở chiếc bàn khách, tôi bất
chợt nhìn thấy ánh mắt nể trọng nhưng
hình như có cái gì là lạ, ấm cúng từ
đôi mắt của Chuyên, cô bé nhìn tôi từ
chiếc bàn riêng của nàng kê ở góc phòng,
cạnh khung cửa sổ phía sau lưng tôi.Tôi có
cảm tưởng tất cả những hành
động , ý tứ, lời nói của tôi trong lúc
dậy học cũng như lúc chú ý vào bài
vở của mình, đều bị ngắm nhìn
rất kỹ lưỡng từ đôi mắt
rất hiền, trong sáng của Chuyên. Một ly nước
tôi vừa uống cạn đã được cô
bé đến rót vào ngay, cần một tờ
giấy nháp, một chiếc bút chì vừa mòn,
muốn được vót nhọn... tất
cả được cô bé đáp ứng rất
kịp thời một cách kỳ lạ! Với
sự chăm sóc, để ý qúa đặc
biệt của Chuyên, đôi lúc cũng mang đến
cho tôi vài thắc mắc, một chút cảm giác
là lạ. Nhưng rồi, nó cũng chỉ lướt
qua không làm tôi qúa bận tâm hay có một tí áy náy
nào làm cho tôi phải ngại ngần. Một buổi tối, trong lúc
Hợp đang chú ý vào việc làm bài tập,
Cảnh vừa từ Cái sắn lên, anh mang ra
một vài miếng cá khô thiều rủ tôi cùng
với ông Lập ra bộ salon để nhâm nhi.
Miệng phì phò điếu thuốc lá, Cảnh
mở một chai bia tỏ ý mời tôi lấy
lệ vì anh biết rõ tôi từ chối vì không
thích uống rượu, nhất là lúc học hành
hay làm việc. Trong khi rót bia vào chiếc ly
của mình và ông Lăp, Cảnh nghiêm nghị nói
với tôi : - Anh phục chú thật ! Không rượu,
không thuốc lá... chú cưỡng được
những tánh xấu đó thật là kỳ
lạ ! Trong khi bạn bè chú thì ông nào cũng phì
phò cái pipe trên môi, đánh cờ thâu đêm,
uống rượu không biết say... Ngần ngừ một tí, rồi
Cảnh nói tiếp : - Chú đúng là con người gương
mẫu, so với anh chú bỏ xa !... Không biết Chuyên có nghe trọn
vẹn lời khen của Cảnh dành cho tôi chưa,
nhưng khi mang đĩa khô cá thiều thơm
phức từ trong bếp ra cho chúng tôi, cô bé
mỉm cười nhìn tôi nói : - Cậu Cảnh nói rất đúng,
cô gái nào có phúc mơí lấy được
cậu Bình ! Nghe câu nói đùa của Chuyên cùng
tiếng cười khoái trá,có vẻ đồng
ý của ông bà Lập, Tôi nhìn Chuyên, rồi cũng
chẳng ngại ngần tôi nói đùa một cách
thản nhiên : - Cháu nói có thật không ? Vậy
cậu lấy cháu làm vợ nhé
? Cả nhà phá lên cười vui
vẻ vì câu nói của tôi, trong khi mặt cô cháu
ửng đỏ vì ngượng ngập ! Cô bé
liếc nhìn tôi ra vẻ dỗi hờn, không tin tôi
nói thật, cô bé nói:
- Cậu chỉ đùa với cháu
mà thôi ! Ðời nào cậu chú ý đến cháu !
cháu xấu xí như ma lem đâu có đáng cho
cậu để ý mà ! Ông Lập, càng cười to hơn,
đưa bàn tay phẩy phẩy về phía tôi như
có ý mời mọc, ông nói trong tiếng cười
đầy vẻ khoái chí : - Ðấy tôi biếu cậu đấy,
cậu cứ bê cháu nó đi cho tôi nhờ ! Ngày
nào nó cũng khen cậu ! Nào là ngay ngắn,
học giỏi... Khiếp ! nghe nó nói tốt
về cậu mà tôi muốn điếc con ráy ! - Bố kỳ qúa ! chuyện gia
đình, cái gì cũng mang ra nói với người
ngoài ! Cùng với dáng điệu dỗi
hờn, khuôn mặt đỏ hồng vì ngượng
ngập. Chuyên nói xong rồi ngoe ngẩy đi vào
phòng trong ! Những câu chuyện đuà
dỡn như vậy vẫn thường xẩy
ra vào những lần tôi đến nhà Chuyên,
trong những bữa cơm tối gia đình hay lúc
nghỉ giải lao nói chuyện tếu với
mọi người... Những lần đó, câu
chuyện luôn luôn được kết thúc
bằng nét mặt đỏ hồng, ngượng
nghịu với một tí dỗi hờn ( hình như
không qúa đáng ) của Chuyên. Còn tôi vẫn
những câu đùa dỡn vô tư không mang
một tí buị nhơ, hoàn toàn trong sáng với
cô cháu gái ( không có họ hàng ) của mình.
Sự đùa dỡn của tôi chỉ mang theo
những nụ cười không ẩn ý của chính
tôi, của bố mẹ Chuyên và hình như
của Cảnh người cậu ruột của
Chuyên nữa thì phải (?) & Dậy học cho Hợp, em của
Chuyên được khoảng gần một năm,
trong cái không khí vui vẻ ấm cúng như
vậy, nhóm bạn của tôi thu nhỏ dần vì
một vài người bị gọi nhập ngũ.
Người bạn chủ nhà cũng đầu
quân vào Hải Quân, chúng tôi không còn lý do gì
để xử dụng căn nhà trọ đó
nữa. Buổi tối, trước ngày
dọn nhà ( đúng ra chỉ quyét dọn sơ sài
vì có gì đâu mà dọn, ngoài một thùng sách,
vài bộ quần áo, còn bàn ghế, giường
chiếu, chăn màn đều của gia đình
người bạn chủ nhà ! ). Tôi cố ý
đến nhà Chuyên hơi muộn để
chắc chắn không gặp phải bữa cơm
tối, và cũng để gặp được
cả gia đình nàng nói vài câu từ gĩa, cám
ơn những thịnh tình mà gia đình họ
đã dành cho tôi trong thời gian qua.Mặc dù cái
tin chúng tôi rã đám đã được
mọi người trong xóm đạo biết
từ trước rồi, nhưng khi bước
vào nhà,chỉ mới nói vài câu chào hỏi và báo
tin ngày mai tôi sẽ rời xa xóm đạo, đã
làm cho bầu không khí bao quanh chúng tôi bị
khựng lại, che phủ bởi âm thanh buồn
bã, im lặng. Ông bà Lập nói với tôi vài
lời cám ơn về việc tôi đã dậy
dỗ chú bé Hợp trong thời gian vừa qua,
nhắn nhủ tôi siêng đến thăm họ.
Cảnh bắt tay tôi, anh xiết nhẹ tay tôi và
nói rất nhẹ bên tai tôi : - Chú Bình, cố gắng dành
thời gian đến thăm chúng tôi thường
nhé ! Chuyên nó rất mến chú... Tôi cũng chỉ nghe thoáng qua
lời nói của Cảnh,dù nhìn thấy dáng
diệu anh ta có tí gì là lạ và cũng không
để lại trong lòng mình một tí suy nghĩ
nào.Sau vài phút đầu tiên, vì bận rộn
với những câu giao tế thông thường, tôi
đã không chú ý đến Chuyên. Nhưng khi mà
những lời chào hỏi đã qua, tôi mới
nhớ ra là Chuyên chưa nói với tôi một
lời nào, từ khi tôi bước vào nhà nàng. Cũng
chính lúc đó, tôi chợt nhìn thấy cô bé
đứng tựa vào khuôn cửa sổ, im
lặng nhìn tôi với ánh mắt phủ đầy
buồn bã. Tôi bước lại gần Chuyên,
đưa hai bàn tay để nhẹ lên đôi
vai nàng, trong giọng nói thật bình thản,
giọng nói không mang theo một ẩn ý của
một người vai cậu đứng đắn
trong gia đình. Tôi nói với cô bé : -Cậu chào cháu nhé Chuyên, bất
cứ lúc nào có thời giờ rảnh cậu
sẽ tạt vào thăm cháu và gia đình . Chuyên ngước mắt nhìn tôi,
giọng nói rất nhẹ, không che dấu
được nỗi buồn chất chứa
trong câu nói : - Cám ơn cậu Bình, cháu mong
cậu đừng quên lời hứa, thỉnh
thoảng đến thăm gia đình
cháu. Ngập ngừng một chút, như
để đè nén cảm xúc buồn bã đang
hiện rõ trên nét mặt, co bé nhìn tôi, hình như
trong nhãn quang của nàng tôi thoáng thấy có cái gì
là lạ ! Có tí
gì mơ hồ, bước ra khỏi cái buồn
bã thông thường của người cháu
nhỏ bé mà tôi vẫn có trong tâm tư và trí não
của mình. Cô bé vội vàng nói với tôi : -Xa cậu cháu buồn qúa, cháu
nhớ cậu lắm, cậu Bình ạ ! Nói xong câu nói vội vàng đó,
đôi mắt nàng chợt đỏ lên,
quay vội đi hướng khác, nhưng cũng
không dấu được tất cả mọi
người khi cô bé đưa cánh tay lên gạt
hai giòng lệ đang chẩy dài trên gò má ! Bà Lập nhìn Chuyên hơi cau mày
ra vẻ trách móc, bà ta nói : - Cái con này hôm nay thật kỳ
lạ! Cậu dọn đi chỗ khác chứ
cậu có đi xa, không bao giờ gặp lại mày
đâu mà khóc ! Cậu đã nói rồi, thỉnh
thoảng sẽ đến thăm mà ! Ðứng gần đó, Cảnh im
lặng theo dõi diễn tiến, anh đưa
mắt ái ngại nhìn tôi, rồi lại nhìn Chuyên
cùng với vài cái lắc đầu nhè nhẹ khó
hiểu ! & Rồi từ ngày rời xa xóm
đạo đó. Thỉnh thoảng tôi cũng ghé
vào thăm hỏi gia đình Chuyên, gặp gỡ
Cảnh hay bố mẹ Chuyên tâm sự vu vơ.
Ðôi lúc tôi cũng coi sóc sơ sài bài vở cho
mấy đứa em trai của nàng, lần nào tôi
đến thăm, đều nhận được
sự săn sóc chân thành, tận tình của Chuyên.
Khi vừa trông thấy tôi đến
thăm, nàng chạy vội vào phòng vuốt
nắn, chăm sóc lại mái tóc,trang phục hay
thoa một tí son đỏ trên đôi môi của
mình,mừng rỡ chạy ra vồn vã chào đón
tôi. Rồi im lặng đứng tựa vào khung
cửa số, kín đáo nhìn tôi với ánh
mắt thân thương nhưng vẫn có cái gì là
lạ, trong khi tôi bình thản ngồi nói
chuyện với ba mẹ nàng hay với Cảnh
ở phòng khách. Ðôi khi, vì một cách cảm nào
đó khiến tôi quay nhìn cô bé, ánh mắt
của chúng tôi gặp nhau, Chuyên lại lộ
vẻ luống cuống rồi cố làm ra vẻ
tự nhiên, vô tình quay đi hướng khác. Còn
tôi vẫn với cái nhìn vu vơ, trong sáng
của một người cậu thân tình đúng
nghĩa trong gia đình. Những câu đùa
dỡn của tôi đôi khi rất bạo, có lúc
tôi đưa đôi tay lên bá vai cô bé kéo sát vào
mình không một tí ẩn ý. Tất cả hành
động của tôi được diễn
đạt một cách bâng quơ, không
ngại ngần mất tự nhiên, mà còn
được kèm theo những nụ cười
thoải mái của chính tôi và tất cả
mọi người trong gia đình nàng nữa. Cái
lý do rất đơn giản cho thái độ vô
tình, ngay ngăn đó của tôi, là vì trong lòng tôi
luôn luôn nghĩ cô cháu của mình còn rất
nhỏ, thua tôi 8 tuổi đầu và rất rõ ràng,
hợp lý khi tôi đã được đặt
vào vị trí của một người cậu
trong gia đình của nàng . Vào khoảng cuối niên học,
ngày tốt nghiệp của tôi gần kề mang
đến cho tôi bao nhiêu bận rộn, vì
bải vở, vì thi cử, cùng với những lo
lắng cho vấn đề tìm việc làm sau khi
tốt nghiệp... tôi chẳng còn thời gian
để thăm viếng gia đình Chuyên
nữa. Một buổi chiều, trên đường
từ đại học về nhà, chiếc xe
Suzuki cà tàng, cũ kỹ của tôi bị hư máy.
Tôi dùng đủ mọi thủ thuật để
sửa chữa, nhưng cuối cùng cũng
phải mang đến cho một tiệm sửa
xe, để xe lại cho họ sửa, hẹn ngày
mai sẽ mang tiền đến lấy xe, tôi không
thể chờ họ sửa được vì lúc
đó tôi chẳng có một đồng xu dính túi
( đây là cái bệnh nghèo cố hữu,
triền miên của suốt cuộc đời
đi học của tôi ! ) . Mặc dù nhà rất
xa nơi chổ sửa xe nhưng tôi cũng
chẳng còn giải pháp nào hơn là thủng
thẳng đi bộ về nhà. Trời hôm đó mây giăng
mờ mờ, làm giảm đi rất nhiều cái
nóng đổ lửa, ngột ngạt của Sàigòn,
đó cũng là cái may nho nhỏ cho tôi lúc túng
thiếu không có tiền để đi xe
Lam(lọai xe ba bánh chở khách rất thông
dụng ở VN thời đó ), mà phải
cuốc bộ một khoảng đường hơn
3 cây số, từ ngã tư Hồng thập
Tự -Lê văn Duyệt đến Hoà Hưng
!Trong lúc tôi đang chậm rãi đi bộ
dọc theo đường lộ, vài tiếng
gọi tên tôi đã làm tôi giật mình : - Cậu Bình, cậu Bình !.. Tôi đưa mắt tìm kiếm người
gọi mình từ giòng xe dầy đặc, đang
xen kẽ, nối tiếp nhau trên con đường
Lê văn Duyệt vào giờ tan sở. Một
chiếc xe Lam chở đầy khách từ từ
táp vào lề đường rồi dừng
lại phía trước mặt tôi,từ trong
chiếc xe, Chuyên tách rẽ mấy người khách
ngồi phía ngoài rồi bước xuống xe, nét
mặt đầy mừng rỡ, ngạc nhiên, cô
bé chạy đến phía tôi : - Cậu Bình, trời ơi lâu qúa
rồi cậu không đến chơi nhà cháu,
cả nhà ai ai cũng nhắc nhở và mong
cậu. Cậu Cảnh mấy lần từ Cái
sắn lên muốn gặp cậu lắm ! Tôi cũng rất mừng rỡ
gặp lại Chuyên, ít ra nhìn lại cô bé cũng
nhắc nhở tôi là đã 3 tháng nay vì bận
rộn, tôi chưa đến nhà cô bé lần nào.Tôi
đứng lại tỏ vẻ vui mừng vì
sự vồn vã qúa thân tình của Chuyên, tôi nói
với nàng : - Cháu Chuyên, cậu bận qúa vì
phải lo thi cử ra trường cháu ạ, cháu
và gia đình có gì lạ không ? Tôi chợt nhìn thấy trên góc
chiếc áo dài trắng của nàng, phía trên
ngực có dấu hiệu đỏ của trường
trung học Nguyễn bá Tòng. Ngạc nhiên hơn
nữa tại sao cô bé lại đi xe Lam thay vì
chiếc xe Honda PC50, mà cô bé luôn luôn lau chùi
rất kỹ lưỡng chỉ dành cho việc
đi học hàng ngày. Nhìn Chuyên với đôi
mắt dò hỏi, tôi nói : -Xe của cháu đâu rồi ? Cháu
bỏ học trường Ðồng Tiến
rồi hả ? - Cháu cho Hợp nó mượn xe hôm
nay rồi, cháu và Hoàng, cô bạn thân của cháu
ở giữa xóm, ngươì mà cậu đã vài
lần được mẹ cô ta mời vào nhà
chỉ toán cho cô ta đó, cậu còn nhớ không
? Chúng cháu bỏ trường Ðồng Tiến lên
Nguyễn bá Tòng từ mấy tháng nay rồi, hôm
nay Hoàng bị bệnh nghỉ học cho nên
chẳng có ai chở về vì vậy cháu phải
đi xe Lam cậu à. Trả lời tôi xong, Chuyên mở
lớn đôi mắt nhìn tôi với sự
ngạc nhiên lộ ra mặt, nàng hỏi tôi : - Ừ nhỉ, tại sao cậu
phải đi bộ ? Chiếc xe Suzuki giang hồ,
không đèn của cậu đâu rồi ? Câu hỏi qúa thật tình của
cô bé làm tôi nhớ đến chiếc xe bạc
rạc, xọc xạch của mình ! Tôi không
ngờ nó đã nổi danh với gío bụi,
đến nỗi cô cháu tôi đã gọi nó là
chiếc xe giang hồ, không đèn ! Ðã thế tôi
lại càng ngượng ngùng, đau khổ không
biết rả lời ra sao cho câu hỏi vô tình
của cô bé, khi nghĩ đến vì cái túi không
tiền của mình mà phải thong dong cuốc
bộ về nhà ! Ngập ngừng một tí, tôi
nở nụ cười như để cố
che dấu cảm giác xấu hổ, tôi trả
lời cô bé : - Xe cậu hỏng rồi, phải
để ở tiệm cho họ sửa, vì không
có tiền đi xe Lam về nhà, cho nên đành
đi bộ chứ làm sao được ! Câu nói của tôi hình như
chẳng có ảnh hưởng gì với cô bé, có
lẽ cô bé tưởng tôi nói đùa, nhưng cũng
có lẽ quá mừng rỡ gặp lại tôi cho nên
cô bé cũng chẳng cần nghe, chẳng cần
hiểu lời nói thật thà, đau buốt
của tôi ! Cô bé nắm lấy tay tôi rất
tự nhiên rồi nói với tôi : - Cháu cũng đi bộ với
cậu cho vui ! Tôi nói vài câu chối từ
lấy lệ, cũng để cho qua mà thôi, vì cũng
cảm thấy vui vui nếu có một người
làm bạn đồng hành để nói chuyện
vãn, cho quên đi khoảng đường khá dài
mà mình phải miễn cưỡng cuốc bộ
! huống chi lại là cô cháu gái dễ thương,
mà tôi đã từng đùa dỡn không một tí
ngại ngần trong suốt mấy năm quen
biết vừa qua ! Ði vơí nhau, nói chuyện
được một lúc, có lẽ không qúa 5 phút
đồng hồ. Cô bé quay sang nhìn tôi ra vẻ
mệt nhọc, nét mặt hơi nhăn nhó
rồi nói với tôi trong âm thanh có tí nũng
nịu : - Cậu Bình, cháu khát nước
qúa, cậu mời cháu một chầu nước
đi ! Ðến lúc này thì thật sự tôi
đã rơi vào cảm giác cháng váng vì xấu
hổ, ngượng ngập rồi ! Tôi biết cô
cháu gái đã không nghe rõ hay không tin những
lời tôi nói, cô bé lại nghĩ rằng tôi nói
đùa về cái túi không tiền của tôi
vừa qua ! ( vì tôi đã từng đùa dỡn mà
! ). Thừ người ra, im lặng một tí,
trong khi đôi chân bước chậm lại, tôi
nhìn thẳng vào mặt cô bé. Với giọng nói
rất rõ ràng, không đùa dỡn, tôi ngượng
ngập nói : - Cậu nói thật với cháu
đó ! Cậu không có tiền cho nên mới
phải đi bộ về nhà ! Tôi tưởng rằng với câu
trả lời đau khổ của mình sẽ làm
cho cô cháu gái im lặng cảm thương,
buồn bã cho cái nghèo túng của ông cậu, người
mà cô ta kính ngưỡng, luôn luôn nhìn vào như
ngọn hải đăng ngoài biển cả ! Nhưng hoàn toàn ngược
lại sự tưởng tượng của tôi,
Chuyên lại tỏ ra vui mừng, cái vui mừng
kỳ lạ, phơi bầy trọn vẹn, rõ ràng
trên khuôn mặt trái xoan ngây thơ, trong
nụ cười, ánh mắt rực rỡ
của cô bé. Cô bé cầm vội lấy cánh tay
của tôi, ngước mắt nhìn tôi rất thân
thiện rồi nói với tôi : - -, thế thì may quá, cháu có
tiền, cháu sung sướng được '' bao
'' cậu một chầu giải khát ! Nói xong , chẳng đợi tôi
trả lời, cô bé cầm tay tôi kéo tôi đi,
trong khi tôi vẫn còn lịm người ngượng
ngập, khó xử sự ! Hình như nhìn thấy
sự lưỡng lự của tôi, Chuyên
đưa mắt nhìn tôi thân thiện nàng nói : - Cậu đừng lo, cháu có
tiền mà ! '' Bao'' cậu một lần giải
khát có chi là nhiều đâu, cậu đừng
từ chối làm cháu buồn ! Trong hoàn cảnh đó tôi
chẳng biết làm sao hơn là bước theo cô
bé vào môt quán nước không xa, ngay gần ngã tư,
góc đường Phan đình Phùng. Vào trong quán, sau khi đã ngồi
đâu vào đó ở một chiếc bàn nơi
góc quán, Chuyên hỏi tôi rất
nhẹ: - Cậu uống gì ? Cháu kêu hai trái
dừa lạnh nhé ? ! Tôi nhìn vào tờ giấy ghi giá
cả dính trên tường ngay phía trên chiếc bàn,
trái dừa lạnh 15 đồng, ly trà đá 3
đồng ! Tôi nói nhẹ với Chuyên : - Cậu uống trà đá !
Có lẽ khi nhìn trên bảng gía và
sự lựa chọn của tôi đã không qua
được sự chú ý của Chuyên, cô bé nói
với tôi : - Không, cậu phải uống
dừa với cháu ! Cậu đừng ngại cháu
không có tiền, đây này, cháu có dư tiền
mà ! Vừa nói, cô bé vừa mở cái
bóp nhỏ trong chiếc cặp đi học ra, im
lặng, chậm rãi lấy ra tờ giấy 50
đồng cho tôi thấy, rồi kín đáo đẩy
nhẹ tờ giấy, ép nó dưới cái tàn
gạt thuốc lá ở giữa bàn, sau đó
đưa mắt len lén nhìn chung quanh ra ý chắc
chắn không có người nào nhìn thấy.
Với giọng nói rất nhẹ, bí mật,
gần như bằng hơi thở, cô bé nói
với tôi : - Cháu đưa tiền cho cậu
trả hộ, để cậu khỏi phải áy
náy, kỳ cục vì con gái trả tiền cho con
trai ! Tôi nghe cô bé nói mà lòng mình
ngẩn ngơ ! tôi không ngờ cô cháu bé nhỏ,
ngây thơ của mình lại có thể chú ý
đến những cái rất tế nhị, đầy
tâm lý mà tôi, đứa con trai gần 24 tuổi
vẫn còn ngờ nghệch ! Tôi nở nụ cười
hơi buồn che dấu cái mặc cảm vì cái
nghèo triền miên của mình. Cùng lúc đó trong
lòng tôi chợt manh nha một khám phá rất mù
mờ, nhưng cũng đủ cho tôi có một
cảm gíac là cô cháu gái của mình hình như
đã có cái gì lớn khôn của một người
thiếu nữ rồi ! Trong lúc tôi còn đang ngẫn
ngờ với hành động tâm lý khôn ngoan
của Chuyên, cô bán quán đã đến đứng
cạnh chiếc bàn ra ý hỏi chúng tôi dùng gì .Tôi
chưa kịp trả lời, Chuyên đã nhìn cô
bán qúan và nói với cô ta : - Chị cho em hai trái dừa xiêm
lạnh ! Tôi giật mình với quyết
định qúa nhanh của cô cháu. Vội vàng tôi
nhìn cô bán quán rồi sửa lại lời yêu
cầu : - Chị cho tôi một trái dừa
và một ly trà đá !... Chuyên xua tay ra dấu với cô bán
quán, nàng ngắt lời tôi: - Không, chị cứ mang ra cho em hai
trái dừa mà ! Cô bán quán đưa mắt nhìn tôi
rồi lại nhìn Chuyên tỏ ý không biết
phải làm sao. Tôi nhìn cô ta một lần nữa
rồi với giọng rất rõ ràng, tôi nói
với cô ta : -Ðây là cô cháu của tôi, tôi nghèo
quá không có tiền để mời cháu mình
uống nước ! Cháu tôi phải bỏ
tiền ra '' bao '' tôi ! Vậy chị cứ mang cho
tôi một ly trà đá, chẳng có gì phải suy
nghĩ nữa ! Nói xong, lấy tay chỉ vào
tờ giấy 50 đồng còn nằm chình ình trên
mặt bàn, tôi nói tiếp : -Chị thấy không ? 50 đồng
là của cháu tôi đó ! cô ta sợ tôi '' quê ''
với chị, đưa cho tôi trả tiền
đó ! Chuyên ngỡ ngàng, giương
mắt nhìn nét mặt thật thà của tôi. Cô bé
lắc đầu nhè nhẹ, chậm rãi ngại
ngần nói với tôi : - Cậu Bình kỳ qúa ! Có gì
đâu mà cậu áy náy như vậy ! Khi cô chủ quán mang trái dừa và
ly trà đá ra, vừa để trên mặt bàn, tôi
định kéo ly trà đá gần về phía mình,
nhưng Chuyên đã đưa tay ra trước,
cầm lấy ly trà đá, cô bé nói nhẹ
với tôi : -Cậu để cháu quấy
đường cho cậu nhé ! Tôi im lặng nhìn cô bé chậm rãi
mở lon đường, lấy vài muỗng
đường cho vào ly nước, quấy
rất kỹ lưỡng trước khi
đưa vào tay tôi, cô bé nói rất nhẹ : -Cháu mời cậu ! Tôi thẫn thờ nhìn sự
chiều chuộng, chăm sóc của cô bé, tôi
chợt cảm thấy lần chiều chuộng,
chăm sóc của Chuyên dành cho tôi hôm nay, ở quán
nước, có một tí gì khang khác những
lần nàng chăm sóc cho tôi ở nhà nàng. Tâm tư
tôi chợt lóe lên một vài câu hỏi rất mù
mờ, hành động của cô bé có còn là sự
kính mến, lo lắng đúng nghĩa của người
cháu dành cho người cậu nữa không ? Hình
như tôi thoáng nhìn thấy, cái gì có vẻ mông
lung, lãng mạn ẩn chứa một vài âm thanh
ấm cúng nhẹ nhàng của một người
con gái dành cho người con trai mà nàng yêu
mến thì phải ! Cảm gíac đê mê, sung sướng
thóang hiện trong lòng tôi, nhưng nó cũng
chỉ qua vài phút đồng hồ rồi
lại biến mất,vì tôi nghĩ rằng cô cháu
của mình vẫn còn bé như ngày nào, vẫn là
cô bé 14 tuổi ngây ngô trong trí não tôi, nàng kính
trọng , chăm sóc tôi vì cảm phục tài năng,
tư cách của một người cậu thân
thương mà thôi ! Ngồi với nhau, nói chuyện
lung tung, quanh các chuyện học hành và vài ước
muốn vu vơ, Chuyên hỏi tôi khá nhiều
về ý định cho tương lai khi tôi
tốt nghiệp. Quan niệm, cái nhìn của tôi
thế nào về một cô con gái đẹp,
một người yêu mến, ước mơ. Tôi
có phải đi quân đội như những người
bạn trong nhóm bạn của tôi không ?..v.v.. Có một điều đã làm tôi
rất ngại ngần, đôi khi gây cho tôi
rất khó nghĩ, Chuyên nhìn vào tôi với
tất cả sự kính phục, dưới
mắt cô bé tôi là một người con trai
học rất giỏi, chăm chỉ, ngoan ngoãn,
không đua đòi bạn bè trong những thói hư
tật xấu như nghiện hút, uống rượu,
cờ bạc, rất chân thành và thật thà ... Tôi
có hàng trăm cái tốt đẹp mà cô bé mô
tả về tôi ! Tôi hiểu rất rõ, những
sự kính nể quá đáng và sai lầm đó,
đã được thành hình dần dần.
Từ những lời khen tặng của những
bậc cha mẹ trong cái xóm đạo mà tôi
đã trọ học ngày trước. Những
lời khen đó cứ được tô vẽ
thêm lên trong những câu chuyện hàng ngày của
các bà mẹ, họ nói với nhau ở nhà
thờ, ở góc chợ hay những lúc rảnh
rỗi gặp nhau ngoài đường ! Kết
qủa là những bộ óc non nớt, ngây ngô
của những đứa con của họ đã
được in sâu vào bằng những vết
son tuyệt vời, gương mẫu quá đáng,
sai sự thật về tôi ! Tôi cố gắng nói với Chuyên
những điều thật sự về mình, tôi
cho nàng biết tôi có dáng dấp quê mùa, nhà nghèo,
xấu trai, đầu óc kém thông minh, tôi phải
chăm học chỉ vì nghành học bắt
buộc và nhất là trí nhớ qúa kém so với
bạn bè cùng lớp ... Nhưng tôi càng nói, càng
phân trần, càng cố gắng kéo mình về
với sự thật tầm thường cố
hữu của mình, tôi lại càng được
Chuyên kính nể hơn vì nghĩ rằng tôi khiêm
nhượng ! Cuối cùng tôi đành im lặng vì
cái bất lực của mình, vì cái lầm
lẫn, tôn sùng qúa đáng của cô cháu ! Chúng tôi ngồi trong quán nước
được một lúc thì trời đổ mưa,
cơn mưa lâm râm, bầu trời u ám bao
phủ bởi lớp mây mờ mờ, không di
động, báo hiệu trận mưa không to nhưng
không dẽ dàng ngưng tạnh trong chốc lát.
Trên đường phố, những toán học
trò về học đã thưa thớt dù trên
đường vẫn còn đông xe. Nhiều
lần nhìn đồng hồ, tôi có cảm giác hơi
lo vì việc về nhà trễ của Chuyên, tôi
hỏi cô bé với vài lo lắng : - Cháu Chuyên, có lẽ muộn
rồi, cháu đi xe Lam về đi kẻo ba
mẹ cháu trông ? ! - Thế còn cậu ? Cậu không
muốn về cùng với cháu à ? -Cậu thì về lúc nào mà
chả được ! Có ai trông mong đâu mà lo
! Cháu cứ lấy xe Lam về trước đi,
cậu thủng thẳng chờ hết mưa
rồi đi bộ về nhà cũng được
! - Không ! Cháu đã nói với
cậu rồi, cháu cùng đi bộ với
cậu mà ! Chắc cậu lại chê cháu xấu
không muốn đi với cháu ngoài đường
chứ gì ? Nghe Chuyên nói tôi ngỡ ngàng, tôi
không ngờ cô bé lại cứng đầu đến
thế, dĩ nhiên tôi cũng biết rất rõ là
số tiền sau khi trả cho trái dừa và ly nước
cũng còn qúa dư cho cả hai người đi
xe Lam về nhà, nhưng cái cảm giác '' bóc
lột '' cô cháu gái qúa đáng của mình đã
làm tôi ngại ngần và ngượng ngùng ! Luỡng lự một chút tôi
trả lời cô bé : - Cháu đừng nghĩ thế làm
cậu buồn, Chuyên ạ, cậu sợ cháu
về muộn bố mẹ cháu trông, lo lắng mà
thôi ! Nhưng dù có nói sao, với lý
lẽ nào cô bé nhất định đòi đi
bộ với tôi về nhà như đã
hứa.Thấy không còn cách nào hơn, tôi đành
nói : -Cậu không mang theo áo mưa cho nên
không thể đi bộ với cháu được
! Thôi, cách tiện nhất là cậu cháu ta cùng
đi xe Lam về nhà, cháu trả tiền cho
cậu rồi mấy ngày nữa cậu sẽ
mang tiền lại trả cho cháu, thế là
gọn ghẽ nhất ! Dù tôi đã xuống nước
chịu ngượng để đưa ra
giải pháp tiện lợi, hợp lý đó, nhưng
Chuyên vẫn không chịu, cô bé nằng nặc
đòi đi bộ với tôi, dù trời mưa.
Cô bé nói : -Cháu có một cái áo mưa, dư
đủ cho hai cậu cháu mình cùng đi, hơn
nữa mưa có nặng hột đâu mà lo ! Thành thật lúc đó tôi hoàn toàn
không hình dung ra được cái áo mưa
của Chuyên to nhỏ ra sao và sự khó khăn
của việc che chung một cái áo mưa với
một cô bé, dù trong tâm tư của tôi vẫn
coi cô ta là một cô cháu còn bé bỏng, ngây thơ
không hề thay đổi của hơn 2 năm
về trước! Cuối cùng chúng tôi đồng
ý cùng che chung chiếc áo mưa và đi bộ
với nhau một đoạn đường
rồi lấy xe Lam về nhà .Nhưng khi ra
khỏi quán nước, đứng dưới hàng
hiên chiếc qúan, nhìn Chuyên mở chiếc
cặp đi học, lấy ra cái áo mưa
bằng nylon nhỏ xíu. Có lẽ nếu cô bé
mặc cho một mình cũng đã thấy
chật rồi huống chi lại phải dùng cho
2 người ! Ðã thế Chuyên lại không mang
theo nón hay mũ, chỉ có một cái nón áo mưa
hình tam giác, nhỏ nhắn với 2 sợi dây
để thắt vào cần cổ. Tôi nhìn
chiếc áo mưa với ít nhiều chán nản,
thất vọng ! Chuyên hình như nhìn thấy thái
độ không vui của tôi, cô bé cười
nhẹ rồi nói với tôi: - Chẳng sao cậu ạ, cậu
cao hơn cháu vậy cậu cầm lấy cái áo
mưa che lên đầu hai cậu cháu mình, làm sao
mà ướt được ! mưa râm râm, có gió
to đâu mà lo ! Cuối cùng, cái nón áo mưa
được đội lên đầu cô bé, hai
sợi dây nylon thắt chặt vào dưới
chiếc cằm xinh xắn làm nổi bật khuôn
mặt ngây thơ dẽ mến của cô cháu gái.
Còn tôi thì chẳng làm sao hơn là đưa
thẳng cánh tay lên cầm lấy chiếc áo mưa
che lên đầu hai cậu cháu . Nhưng khi bước ra khỏi cái
hiên của quán nước, dưới trời mưa
tôi mới thực sự thấy được
điều khổ ải! Tôi cố gắng dành
phần lớn che phủ cho cô cháu gái, ngược
lại cô bé lại cũng cố gắng nhường
nhịn phần rộng rãi cho ông cậu ! Dưới
cái diện tích của chiếc áo mưa bằng
tờ báo làm sao có thể che kín cho hai người
được, dù trời mưa rất nhỏ
hạt ! Ðã thế lại còn nhường
nhịn cho nhau nữa thì làm sao cả hai cậu
cháu không ướt được ? ! Ði được một lúc, vì
mỏi tay, vì cái không gian chật chội, vì lo
lắng những giọt mưa làm ướt
cặp vở, làm lem luốc chiếc áo dài
trắng trong bằng lụa của cô cháu gái. Tôi
hạ cánh tay xuống, vòng tay lên vai cô bé, kéo cô
bé ép sát vào thân mình của tôi. Cũng chính lúc
đó tôi cũng cảm nhận được vòng
tay bé nhỏ, rất mềm của Chuyên, nàng vòng
tay ra sau lưng tôi ghì sát tôi vào tấm thân
mềm ấm của nàng . Lúc này tôi mơí thật sự
nhận được cái cảm giác gần gũi
da thịt, mềm mại thân thể của cô cháu
gái mà tôi chưa bao giờ nghĩ đến !
Ðôi vai của cô bé thật mềm,thân thể và
cái đầu che phủ bởi chiếc nón áo mưa
xinh xắn của nàng, dựa vào ngực tôi. Dù
tiếng mưa rơi xột xoạt, nhưng tôi
vẫn nghe thấy tiếng thở và nhịp tim
đập của cô bé ! Tôi im lặng để
cho tất cả cảm xúc đê mê tuyệt
vời đó di chuyển, lan tràn hết châu thân
tôi, thấm trọn vào tim tôi, mang đến cho tôi
cái cảm giác khám phá đầu tiên sự
hấp dẫn tuyệt vời từ thân thể
mềm mại của cô cháu gái. Chuyên cũng im
lặng, cái im lặng khó hiểu, lạ kỳ
của cô bé đã làm tôi chợt nhớ ra là nàng
đã 16 tuổi rồi, cô nữ sinh đệ
tam, Chuyên không phải là cô bé 14 tuổi, cô bé
nhỏ đệ ngũ ngây ngô, hơn hai năm
về trước mà tôi đã gặp, thường
đùa dỡn dưới tình thân cậu cháu
nữa ! Thời gian, nguời bạn chân thành
và trầm lặng trong
trí nhớ và hiện tại của tôi, đã bước
vội đến bên tôi, thì thầm nhắc
nhở tôi rằng tôi đã vô tình quên đi tác
động của nó trong hơn 2 năm vừa
qua ! Thời gian cũng đưa ngón tay vô hình gõ
nhẹ vào trí khôn của tôi, nhắc nhở tôi
rằng tôi phải thận trọng, phải
biết mềm mỏng, chiều chuộng cô cháu
của mình vì nàng đã 16 tuổi rồi, cái
tuổi của mơ mộng ,yêu si ! Với cái
tuổi đó những sự vuốt ve, đùa
dỡn vô tư, không mang ẩn ý cuả tôi trong
hơn 2 năm qua thật đáng trách, không
thể chấp nhận và tiếp tục
được nữa. Nó không còn mang theo
những nụ cười hời hợt, nhẹ
nhàng dẽ lãng quên của tuổi ngây thơ
nữa, bây giờ, ở cái tuổi 16 mơ
mộng đó, cô cháu gái của tôi đã có dư
đủ âm thanh và mầu sắc trong trái tim mơ
mộng của một thiếu nữ đang đợi
chờ nữ thần tình yêu thăm viếng ! Thời gian cũng cho tôi biết,
những hành động thoáng khoát không mang
ẩn ý của tôi cũng không thể dậm chân
ở một chỗ được, phải
được thay đổi cho hoà hợp
với nhịp đi chậm rãi của thời
gian cùng với sự khôn lớn và mơ mộng
của cô cháu gái mình. Những sự vuốt ve
êm ái, những nụ hôn ngọt ngào thương
yêu sẽ bước đến dần dần
mang theo những kỷ niệm của tình yêu trai
gái. Trong cái im lặng đê mê đó,
thỉnh thoảng tôi kín đáo nhìn sang Chuyên.
Chiếc áo dài trắng của nàng đã thấm
ướt gần như trọn vẹn. Qua làn
vải trắng mong manh, hiện ra trước
mắt tôi lồ lộ chiếc xú chiêng nhỏ
nhắn, căng phồng, di động nhẹ nhàng
lên xuống theo nhịp thở của chiếc
ngực trắng ngần, tròn trịa hấp
dẫn !Trên nét mặt Chuyên, vài lọn tóc loà xòa
vì những giọt nước mưa, dính sát vào
nền da mặt đỏ hồng (không biết
mầu hồng tự nhiên của nàng hay mâù
hồng của ngượng ngập sung sướng
?). Cũng trên khuôn mặt dễ thương, xinh
đẹp đó, vẫn còn vương lại vài
giọt nước mưa rất trong, đọng
lại như những giọt sương sa
buổi sớm trên hoa cỏ. Ðôi môi của Chuyên cong đều
đặn, hồng thắm chẳng có một
dấu tích gì tái xanh vì mưa lạnh, tôi
ngẫn ngơ nhìn chiếc miệng xinh xắn,
mang theo biết bao nhiêu tưởng tượng,
với những nụ hôn nồng nàn, ngọt
lịm từ hai vành môi đỏ chóp đáng yêu.
Ðôi mắt nàng chứa đầy bóng dáng mơ
say, bao phủ cả một bầu trời lãng
mạn yêu thương ! Tôi mường tượng
lại ánh mắt của cô bé Chuyên thường
kín đáo nhìn tôi trong nhà cô bé, mỗi khi tôi
dậy học cho em nàng. Tôi chợt tìm thấy ánh
mắt ngày đó và bây giờ hình như có cái
gì tương đồng, rất giống nhau ! Ánh
mắt sáng ngời tiềm tàng cảm giác
thiết tha, pha trộn cái đậm đà
của ngọt ngào mến thương, mà tôi
đã vô tình không biết. Với tìm tòi đó,
lúc đi bên nàng dưới trời mưa rơi
nhè nhẹ, đã làm cho tôi thông hiểu ý nghĩa
của ánh mắt mà Chuyên dành cho tôi ngay từ
khi nàng còn là cô bé đệ ngũ 14 tuổi ! Ngày
mà tôi chỉ biết nhìn Chuyên với tất
cả tấm lòng chân thành, ngay ngắn trong vai người
cậu của nàng. Bây giờ, tôi chợt cảm
thấy tôi yêu, tôi mến và tôi ước ao
được ánh mắt đó nhìn tôi mãi mãi ! Cả hai chúng tôi im lặng đi
bên nhau, dưới bầu trời Sàigòn, buổi
chiều lất phất mưa rơi. Cái im
lặng của tôi,vì tôi đang nhận được
những đê mê từ sự khám phá được
cái nẩy nở, khôn lớn của Chuyên, cô cháu
gái 16 tuổi. Cái im lặng của nàng, tôi không
hiểu rõ lý do, nhưng tôi biết chắc
chắn nó đang chuyên chở tất cả
những cảm giác ngọt lịm của yêu
đương và đụng chạm xác thân. ! Ðúng lúc tôi cúi xuống đờ
đẫn, mê mẩn nhìn khuôn mặt trái xoan
của nàng, Chuyên cũng ngẩng đầu lên
nhìn tôi, ánh mắt chúng tôi chạm vào nhau, kèm
theo nụ cười vu vơ của tôi và nàng,
nhưng đã qúa đầy đủ, thay cho
một câu nói có hàng ngàn ý nghĩa yêu
đương ! Tôi chợt buột miệng
gọi nhỏ : - Chuyên, cháu Chuyên !... - Dạ, Cậu Bình !... Thấy tôi im lặng khá lâu,
Chuyên dựa sát hơn vào tôi, vòng tay của nàng
sau lưng tôi cũng xiết chặt lấy thân
tôi hơn, rồi nàng hỏi tôi thật nhẹ : - Cậu Bình, Tại sao cậu im
lặng ? Cháu muốn nghe cậu nói những gì
cậu đang nghĩ !... -Chuyên... Cháu đẹp lắm ! - Thật hả cậu ? Cháu cám
ơn cậu lắm ! Chỉ có thế rồi chúng tôi
lại im lặng bởi vì đã qúa đủ
rồi ! Quá đủ để chúng tôi nhìn rõ
con tim thầm kín của nhau ! Quá đủ để
tôi hiểu ánh mắt của cô cháu gái đã
dành cho tôi từ khi cô bé còn 14 tuổi, hơn 2 năm
về trước. Cũng quá đủ để
Chuyên hiểu là người cậu của nàng
đã ngây ngất với sắc đẹp và
tình yêu của nàng rồi, lúc Chuyên 16 tuổi
!... & Chiều tối hôm đó, tôi
về nhà với tâm trạng phức tạp,
phủ đầy ray rứt giữa tình cảm
và lý trí. Bên cạnh cảm giác đê mê vì khám
phá được mối tình vừa chớm
nở giữa tôi và Chuyên, hình như trong tâm tư
tôi vẫn có những ngại ngần đắn
đo vì những trắc trở mà tôi mường
tựơng thấy từ đằng xa.Tôi nghĩ
đến Chuyên,đến sự cách biệt
tuổi tác qúa nhiều giữa tôi và nàng, dù
thế nào nàng vẫn chỉ là một cô bé 16
tuổi, tình yêu có lẽ chỉ là những
cảm xúc vội vàng phát sinh từ bản ngã,
thiếu tính suy, nồng nhiệt tuổi mới
lớn. Sự nồng nàn, sâu đậm đó nhưng
rồi đến một lúc, chỉ vì một
vài ngỡ ngàng nho nhỏ cũng đủ làm cho
nó mờ phai, quên lãng thóang qua mà
thôi . Tôi nghĩ đến tôi,với
gia thế khó khăn hiện tai, tôi không thể
nào bước ra khỏi trách nhiệm và lo
lắng cũng như sự cưu mang, mà tất
cả người thân trong gia đình tôi đang
chờ đợi nơi tôi. Ba mẹ tôi dù có
tận lực làm ăn nhưng cũng chẳng
làm sao đủ cung ứng cho những đòi
hỏi của một đàn con đông đảo
đang thời kỳ tốn kém. Suốt nhiều
năm qua bên cạnh việc học hành, tôi
vẫn tìm đủ mọi phương thức
để kiếm tiền giúp đỡ gia đình
và lũ em của tôi ăn học. Ðàn em qúa
đông của tôi, chúng đã đếm từng
ngày mong đợi tôi hoàn tất việc học
để thay thế ba mẹ tôi dẫn dắt
chúng trên con đường tiến thân... Tất
cả những mong chờ, trách nhiệm đó
làm sao tôi có thể phủi bỏ, từ chối
được để ích kỷ tìm cho mình
một cuộc sống riêng tư. ! Tôi cũng nghĩ đến tình
thân thương giữa tôi và gia đình Chuyên,
mọi người trong gia đình nàng đều
dành cho tôi những tình cảm thân thiết.
Cảnh nhìn tôi như một người em thân
mến đầy tin tưởng. Ba mẹ Chuyên,
dươí nhãn quang của họ tôi luôn luôn là
người ngay mắn, gương mẫu về
học hành cũng như về lối sống...
Với tình cảm và sự đối đãi
chân tình của họ tôi không thể nào buông
xuôi một cách vô ý thức được. Tôi
không thể đến với Chuyên trong một
trạng huống mà tôi không tìm thấy một
điều chắc chắn trong tương lai
để rồi cuối cùng gây ra những
rắc rối khổ tâm cho nàng và gia đình Với những suy nghĩ đó
đã làm tôi đắn đo, lo sợ cho
những rắc rối mà tôi có linh cảm
thấy rằng, nó sẽ đến với tôi
và Chuyên, nếu tôi không tìm được
một sự khôn ngoan, vững mạnh để
xa nàng .Tôi nghĩ rằng với thời gian và
khôn lớn sẽ làm cho Chuyên vững trãi,
thực tế hơn, tình cảm của nàng
sẽ được dẫn dắt bằng trí
khôn, bằng suy tính . Với thời gian cuộc
quen biết của tôi và nàng rồi cũng
sẽ mờ dần dần, và được xem
như là một kỷ niệm thoáng qua đầy
trực giác của tuổi ngây ngô mà thôi.
& Thời gian sau đó,tôi giới
hạn rất nhiều thăm viếng gia đình
Chuyên, tôi cố tránh gặp mặt hay nói
chuyện riêng tư với nàng. Vài tháng sau đó,
tôi tốt nghiệp xong đại học, lấy
cớ vì bận việc, vì phải đi làm và
sống xa Saigòn tôi không đến thăm gia
đình nàng một lần nào nữa . Cho mãi
đến khi tôi bị động viên vào trường
sĩ quan Thủ Ðức,trong một lần về
phép cuối tuần. Ngẫu nhiên tôi gặp
Cảnh, cậu ruột của nàng trên đường
phố. Sau vài câu chào hỏi thông thường,
Cảnh buồn rầu nói với tôi bằng
giọng phiền trách : - Chú Bình, chú có biết rằng
Chuyên nó đang đau khổ vì chú không ?
Cả hơn một năm vừa qua chú
đã bỏ bê, quên lãng nó! Thành thật anh không
ngờ chú đối đãi với nó vô tình như
thế ! Tôi bàng hoàng khi nghe Cảnh nói.Tôi
không ngờ sự tránh né của tôi hơn
một năm qua chẳng mang đến kết
qủa nào giống như tôi dự đóan ! Trong
khi tôi đang thẫn thờ suy nghĩ. Cảnh
nói tiếp với tôi : - Anh đã nhìn thấy nó mến
yêu chú từ ngày chú còn sống ở căn nhà
trọ, nhưng anh tưởng rằng đó
chỉ là những tình cảm thoáng qua của
một cô bé mới lớn, rồi sẽ quên mau
khi chú xa nó. Nhưng bây giờ anh biết rằng
mình đã lầm! lầm về đứa cháu
ruột, dại khờ qúa tình cảm của anh !
Lầm cả về con người lạnh lùng,
vô tình của chú nữa ! -Anh Cảnh, anh tưởng
rằng em là người vô tình với Chuyên sao ?
Anh có bao giờ nghĩ rằng em đã phải
cố gắng rất nhiều đè nén tình
cảm của mình để rời xa Chuyên không
? Có những lựa chọn mà người ta
phải miễn cưỡng chấp nhận,
chỉ vì hoàn cảnh không cho người ta làm
khác được anh Cảnh ạ. Tình cảm
sâu đậm, lòng tin yêu của anh và gia đình
Chuyên đối với em trong nhiều năm qua,
không cho phép em hành xử mù mờ gây ra những
hậu qủa không tốt cho Chuyên và gia đình
cũng như cho chính em nữa . Rồi tôi trình bầy cho Cảnh
hiểu tất cả những khó khăn mà tôi
không thể nào tìm được một giải
pháp tốt đẹp, hơn là buồn đau
trốn tránh những vướng víu tình cảm
của tôi và Chuyên. Tôi nói thêm : - Hiện tại, như anh biết
em đã vào quân ngũ, tương lai của em
lại có thêm một điểm mù mờ
nữa, dĩ nhiên, biết bao nhiêu người
khác, họ cũng có những trách nhiệm cưu
mang cho gia đình ba mẹ như em. Cuộc
sống của họ cũng trôi nổi, mù
mờ như em, như bất cứ người
thanh niên nào trong thời chiến tranh. Nhưng
mỗi người có cái nhìn khác nhau theo hoàn
cảnh riêng tư của mình anh Cảnh ạ,
đó là điều khác biệt của tâm tư
mỗi cá nhân. Em không thể tiếp tục và
yên ổn nhìn sự thiếu thốn khổ
cực của ba mẹ và lũ em của em,
mọi người trong gia đình em đã
chờ đợi, hy vọng nơi em qúa lâu
rồi ! Ngưng lại một lúc, như
để lựa chọn ý tưởng, tôi nói
tiếp với Cảnh : - Em cũng không muốn làm khổ
Chuyên, kéo nàng vào những thiếu thốn
buồn lo và bấp bênh của đời em, hơn
nữa Chuyên còn qúa trẻ, 18 tuổi !
Ở cái tuổi đó Chuyên còn rất
nhiều dịp để lựa chọn để
tính suy và thay đổi, sắc đẹp và
sự dịu hiền của Chuyên là những
ưu điểm cho Chuyên nhìn thấy bầu
trời rộng rãi và thực tế hơn anh
Cảnh ạ. Cảnh trầm ngâm nghe tôi phân
trần, tôi có cảm tưởng anh ta đã
nhìn rõ sự suy tính và quyết định
của tôi có cái gì hợp lý và chín chắn .
Ngẫm nghĩ một chút, Cảnh nắm lấy
cánh tay tôi, thái độ trách móc ban đầu
trong giọng nói hoàn toàn biến mất, anh nói
với tôi : - Anh đã hiểu chú một
phần nào, anh cũng hy vọng sự ước
đoán của chú không sai lầm. Tuy nhiên anh
nhờ chú một chuyện, nếu có dịp chú
gặp lại Chuyên. lựa lời khuyên nhủ,
nói phải trái cho nó hiểu. Có lẽ với
sự tế nhị và khôn ngoan của chú sẽ
giúp nó nhiều hơn là những lời khuyên
nhủ của anh. & Không lâu sau đó, một lần
tiểu đòan của tôi được cử
về Saigòn ứng chiến, trong bộ đồ
xanh lá mạ của khoá sinh sĩ quan Thủ
Ðức, tôi đang ngồi uống cà phê trên
passage đường Nguyễn Huệ, để
mắt bâng quơ nhìn người đi qua
lại, không biết từ lúc nào Chuyên đã
đứng đằng sau, ngay sát tôi, nàng gọi
nhẹ : - Cậu Bình ! Tôi ngẩn ngơ nhìn sững
Chuyên, vì tái ngộ không ngờ. Nàng không còn là
một cô bé gái ngây ngô nữa, dáng dấp e
thẹn ngày nào của cô bé 16 tuổi chẳng
còn dấu tích gì, đã biến mất hoàn toàn
. Nét đẹp lồ lộ với những
đường cong hấp dẫn của một
cô thiếu nữ đã làm tôi ngất ngây,
ngắm nhìn đến nỗi tôi quên kéo ghế
mời nàng ! Mãi sau Chuyên mới hỏi tôi : -Cháu ngồi đây với cậu
được chứ ? Tôi vội vàng kéo ghế cho nàng
cùng với nét mặt ngượng ngùng, ân
hận vì sự bất nhã của mình. Tôi nói
với Chuyên : - Cậu ngạc nhiên và mừng
rỡ gặp lại cháu qúa Chuyên à, cậu mong
cháu bỏ qua và thông cảm cho cậu, quên
cả việc mời cháu ngồi. ! Cháu khác xưa
qúa... ! Chuyên nhìn tôi mỉm cười,
nụ cười bâng quơ, thông hiểu lý do
sự bất nhã, ngây ngô của ông cậu trước
sắc đẹp tuổi 18 của nàng, nhưng
hình như vẫn không dấu được
thoáng gợn nét buồn kín đáo trong ánh
mắt và dáng điệu của nàng. Tiếp theo là vài câu hỏi han
sức khỏe, gia đình cùng với những
câu chuyện vu vơ, để xóa mờ cái
không khí ngại ngần của hơn một năm
trời không một lần gặp nhau của tôi
và nàng. Chuyên đưa mắt nhìn tôi, với âm
thanh giận dỗi, trách móc nàng nói rất
nhẹ với tôi : - Cậu Bình, cậu giận cháu ?
Cậu cố tình tránh mặt không muốn
gặp lại cháu ? Cậu có biết cháu luôn
luôn nhớ mong, đợi chờ cậu không ? - Cháu Chuyên, dù cháu nói với
cậu như vậy, nhưng cậu vẫn nghĩ
rằng tâm tư cháu biết rất rõ cậu
chẳng bao giờ vô tình hay giận hờn cháu
cả. Cậu im lặng, không liên lạc với
cháu, chẳng có nghĩa là cậu giận ghét,
không mến thương cháu. Cậu đã tâm
sự với cậu Cảnh rất nhiều
về lý do mà cậu phải đau buồn
lựa chọn đó rồi, có lẽ cậu
Cảnh đã nói với cháu rồi ? Ngần ngừ một chút tôi nói
tiếp : - Cháu có biết rằng, sau
buổi chiều uống nước với cháu,
lúc cháu 16 tuổi, cậu đã rất nhiều
lần muốn gặp cháu, muốn liên hệ,
kết nối với cháu không ? Nhưng rất
nhiều lần cậu đến đầu ngõ
nhà cháu, cậu đến cổng trường,
đứng khuất lấp ở góc đường
nhìn theo cháu lúc giờ tan học, rồi cậu
lại buồn bã bỏ ý định gặp
lại cháu, bởi vì ... Tôi dừng lại không nói
tiếp nữa vì chợt nhận thấy lời
phân trần của mình đã qúa lố, không có
lợi, chỉ gây ra thêm rắc rối mà thôi !
Hình như đọc được ý nghĩ
của tôi, Chuyên nói với tôi : - Bởi vì sao cậu Bình ? tại
sao cậu lại im lặng, cậu đang ân
hận vì lời thổ lộ tâm sự vừa
rồi với cháu phải không ? Cháu đã
hiểu tâm tư, tình cảm của cậu đối
với cháu rồi, cháu cám ơn cậu ! Thấy tôi im lặng, Chuyên
vuốt nhẹ bàn tay tôi, cảm giác êm dịu,
ấm áp của bàn tay nàng gây cho tôi ngất
ngây. Chuyên nói tiếp với tôi : - Cậu Bình cháu yêu cậu,
cậu đừng tránh mặt cháu tôi nghiệp!
Từng đêm cháu nguyện cầu ơn trên mang
cậu đến với cháu... Tôi vội vàng ngắt lời nàng
: -Chuyên, theo cậu cháu phải
thực tế, cháu phải suy nghĩ nhiều hơn
và nhìn về cậu kỹ lưỡng hơn,
cậu tầm thường, cậu thua kém
nhiều người, rất rất nhiều người
cháu ạ. Cháu không còn là cô bé 14, 16 tuổi
nữa, thời gian và khôn ngoan sẽ đến
với cháu. Bóng dáng tầm thường, thua kém
của cậu dần dần sẽ hiện ra cho
cháu thấy, thêm vào đó, hoàn cảnh khó khăn
chẳng cho phép cậu mang vào đời cậu,
đời cháu những rắc rối buồn lo
Chuyên ạ ! -Cậu Bình, tình yêu cần
phải có những cái to lớn, những cái vượt
ra khỏi mức tầm thường sao cậu ?
Tình yêu cũng phải là những cái nổi
trội hơn đời, không thua kém thế
nhân, sao cậu ?... Ngưng lại một chút, vơí
giọng ngại ngần, chậm rãi Chuyên nói
tiếp : -Cậu có biết không tình yêu
đôi khi được bắt nguồn từ
những cái nhỏ bé, rất nhỏ, đôi khi
nó tầm thường, rất tầm thường,
đến nỗi người ta không thể
ngờ được, nhưng lại làm người
ta nhớ và yêu mãi, đó là những cái tầm
thường, thua nhân thế mà cháu đã tìm
được nơi cậu đó, cậu Bình
ạ ! -Chuyên, dù thế nào thì chúng ta
vẫn phải xa nhau cháu ạ. Cậu không có can
đảm nhìn thấy những rắc rối,
đau lòng mà có lẽ người bị
thiệt thòi và khổ não nhất là cháu. Với
người đàn bà, tình yêu đơn thuần
hơn, được thu gom lại trong khuôn
khổ tình cảm của hai người yêu
nhau,với họ tình yêu chỉ có thế là
đủ. Nhưng
với người đàn ông thì khác cháu ạ,
họ phải biết tính suy và nhìn rõ trách
nhiệm, tình yêu phức tạp hơn, họ
phải biết làm thế nào để bảo
đảm cuộc sống lứa đôi
hay ít ra đừng làm khổ người
mình yêu. Hiện nay cậu chẳng có gì ngoài hai
chữ bấp bênh ! bên cạnh đó tình thân
của gia đình cháu, của cậu Cảnh dành
cho cậu nhiều năm qua, không cho phép cậu
gây ra những phiền toái Chuyên ạ ! Với giọng nói chậm rãi,
một tí ngại ngần tôi nói tiếp với
nàng : -Có lẽ chỉ 3, 4 năm
nữa, cháu sẽ quên cậu, người
cậu mà cháu qúa yêu mến, không nhìn thấy
cái tầm thường của cậu.
Rồi cháu cũng sẽ như bất cứ người
phụ nữa khác, những lay động tình
cảm đi qua trong đời cháu chỉ còn là
những kỷ niệm của tuổi ngây ngô,
chỉ tạo ra sự phong phú, lớn khôn cho
những lần yêu kế tiếp, bền chặt
hơn, thực tế hơn của mái gia đình
trong tương lai mà thôi . - Cháu không nghĩ nó qúa đơn
giản như cậu nói. Tôi im lặng đưa mắt
nhìn bâng quơ theo đám đông trên đường
phố, như muốn lẩn tránh một cuộc
thảo luận mà tôi nghĩ rằng nó không
thể nào chấm dứt được vì
tất cả dữ kiện chỉ là nhưng
ước đoán vu vơ. Một lúc sau tôi
đưa mắt nhìn Chuyên, nói vài lời cho nàng
biết, thời gian không cho phép tôi ngồi lâu hơn
nữa vì tôi phải đến chỗ chỗ
đóng quân, tập họp để nhận công
tác canh gác ban đêm. Chúng tôi đi với nhau một
khoảng đường ngắn, trước khi
đến gần chiếc xe Lam đang đậu
đợi khách từ đằng xa.Tôi quay nhìn
kỹ vào nét mặt xinh đẹp nhưng
buồn bã của Chuyên, tôi nói với nàng : - Chuyên, cậu sẽ không gặp
cháu nữa ! Bởi vì cậu biết rằng
cậu sẽ làm khổ cháu và khổ cả
cậu nữa, cậu hy vọng cháu hiểu lý do
tại sao mà cậu phải quyết định
như vậy. Thời gian và xa nhau, không gặp
lại nhau sẽ giúp cho cháu và cả cậu
nữa để chúng ta quên nhau !
Chuyên nắm lấy tay tôi, nhìn
tôi trong ánh mắt ngẩn ngơ, buồn bả,
nàng nói thật nhẹ : - Cậu Bình,cháu yêu cậu ! Cháu
không biết làm gì hơn là cầu nguyện,
để cháu được gặp lại
cậu, gần cậu như cháu ước mơ.
Trong tương lai, nếu một đưa đẩy
nào đó, cháu cần có một mái gia đình như
mọi người, cháu sẽ tìm một người
chồng như cậu khuyên nhủ , nhưng
nếu cháu mong có một người yêu hợp
với ước mơ của mình, có lẽ cháu
sẽ mãi mãi độc thân, cậu Bình ạ ! Tôi lịm người bước
vội lên chiếc xe Lam, nhìn trở lại, tôi
vẫn thấy Chuyên đứng ngẫn ngơ
bên đường nhìn theo tôi cho đến khi
chiếc xe qua một khúc quanh nhỏ. Khi bóng dáng
nàng biến mất tôi mới thấy tâm hồn
mình trĩu nặng, cảm giác mất mát ,
tiếc rẻ phủ trùm trong tâm tư tôi, nhưng
biết làm sao hơn khi đằng trước
và hiện tại của tôi chẳng có cái gì
tạm gọi là chắc chắn cho mối tình
của tôi và nàng nếu nó được
tiếp nối.! & Từ ngày đó tôi không bao
giờ đến thăm hay gặp lại Chuyên
và gia đình nàng nữa cho mãi đến
khoảng đầu thập niên 1990, một
ngẫu nhiên tôi liên lạc được
với một người bạn thời trung
học, anh ta cho biết có gặp Chuyên ở Úc
châu. Chuyên vượt biên cùng với Hợp, chú
em trai của nàng vào năm 1976. Ngay từ khi còn
trong trại tỵ nạn ở Mã Lai cũng như
khi đến Úc định cư, Chuyên đã
nhờ báo chí và người quen tìm kiếm, liên
lạc với tôi nhưng không thành công. Hiện
nay Hợp đã có gia đình vợ con nhưng
Chuyên vẫn độc thân, nàng làm việc cho chương
trình từ thiện của một họ đạo
ở Úc và Chuyên đã về VN rất nhiều
lần trong các chương trình giúp đỡ
nhân đạo của Caritas cho VN .Người
bạn tôi cũng cho biết Chuyên vẫn nhắc
nhở đến tôi, nàng rất sung sướng
biết tin tức về tôi và muốn được
liên lạc lại với tôi hoàn toàn trong tình
thân cậu cháu như xưa, với nàng, tôi
vẫn là biểu tượng của một người
cậu gương mẫu đầy qúi mến. Biết được tin đó
sau hơn 20 năm trời xa cách, khoảng
thời gian qúa dài ! Biết bao nhiêu đổi
thay của thời thế, của con người
và cả của cuộc đời tôi và nàng
nữa, nhưng tôi vẫn đờ đẫn,lịm
người khi biết rằng Chuyên vẫn độc
thân, vẫn còn nhớ đến tôi. Nàng vẫn
còn nhìn tôi qua một chiếc khuôn gương
mẫu một người cậu thủa nàng còn
ngây thơ tuổi 14, 16 thật xa dạo đó
!...cảm động với nguồn tin đó, nhưng
tôi cũng thấy một nỗi xót xa thấm
ướt tâm tư mình. Tôi nhớ đến lần
gặp nhau sau cùng hơn 20 năm về trước
lúc chúng tôi từ gĩa nhau ở trung tâm Sàigòn,
trong lần tôi về Sàigòn ứng chiến khi
đó tôi đã ngẩn ngơ, nhìn sững nét
đẹp của Chuyên, lúc nàng 18 tuổi . Chuyên
nói với tôi, nàng sẽ mãi mãi độc thân
nếu nàng muốn có một người yêu như
nàng mơ ước ! Tôi tự hỏi hơn 20 năm
rồi, thời gian vẫn không đủ dài
để tẩy rửa đi lời nói lãng
mạn của Chuyên, cô cháu 18 tuổi đã dành
cho tôi mối tình đầu tiên nồng nàn đó
hay sao ? Thời gian qua thật mau ! mái tóc
tôi bây giờ đã chớm bạc, uớc mơ
và tham vọng cũng không còn cuồng nhiệt
của tuổi thanh xuân,năng nổ xa xưa
nữa ... Cá tính đã có nhiều trầm
lặng, êm ả hơn, đã biết thu mình vào
với những cái tầm thường yên
phận của tuổi hoa râm. Nhưng dù sao
kỷ niệm vẫn là cái gì của nhớ thương,
ký ức vẫn mang cho người ta những gì
đa mê, tiếc nuối ! Tôi cũng muốn
gặp lại Chuyên, muốn được ôm
nàng nhè nhẹ trong vòng tay,đi bên nhau dọc
theo những con đường vắng vẻ trong
công viên, để thì thầm kể lể
về những đổi thay của hơn 20 năm
chưa một lần hội ngộ. Tôi cũng
muốn sống lại cảm giác run run, lịm
người nghe từng hơi thở, tiếng
đập từ lồng ngực căng phồng
của Chuyên lúc nàng 16 tuổi, khi nàng dựa
đầu vào thân tôi dưới trời mưa
lất phất trong một buổi chiều Sàigòn
nhạt nắng xa xưa ... Nhưng ý muốn đó cũng
chỉ thoáng qua,khi tôi quay nhìn lại mình của
hiện tại, thời điểm hơn 20 năm
sau ngày tôi quyết định rời xa nàng. Tôi
đã có gia đình, con cái, Chuyên vẫn độc
thân, vẫn nhớ thương và mong muốn
gặp lại tôi dù ở dưới tình thân
cậu cháu xa xưa. Nhưng tôi tự hỏi
gặp lại Chuyên để làm gì khi tình yêu
của tôi và nàng đã đi vào một con
đường song song không bao giờ hội
tụ ! Gặp lại nhau cũng chỉ gây ra
những phiền toái, đau buồn cho nhau mà
thôi, chẳng mang đến ích lợi gì cho nàng,
ngoài một vài cảm giác lỡ làng, tiếc
nuối buồn đau ! Cuối cùng tôi đã
quyết định không muốn gặp lại
nàng nữa dù lòng tôi rất nhớ, rất thương
! Chuyên ơi, cậu Bình của
cháu vô tình qúa phải không ? Nhưng cậu hy
vọng cháu yêu cậu, với tình yêu đó cháu
hiểu cậu nhiều hơn những gì cậu
đã nói với cháu ngày xưa. Cậu có
cảm tưởng cái nhìn của cháu về
cậu đến ngày nay, dù đã hơn 20 năm
đi qua, vẫn có cái gì lầm lẫn Chuyên
ạ ! Cậu Bình của cháu học giỏi, ngay
ngắn, chân thành... Cậu bình của cháu
với cảm xúc đê mê, ấm cúng trong vòng
tay ôm cháu ngày xưa, ngày cháu vừa 16 tuổi,
ngày mà Sàigòn mưa rơi rất nhẹ...
Cậu Bình của cháu ngẫn ngơ vì đôi
môi mọng đỏ, vì bầu ngực chớm
nở tròn trịa của cháu trong chiếc áo dài
trắng tơ lụa, cô học trò đệ tam
ngày đó... Chuyên ơi, tất cả những
cái đó vẫn còn nồng nàn trong tâm tư,
trí nhớ của cháu hay sao ? dù đã hơn 20 năm
rồi ?Cháu đã sai lầm, cháu đã mỹ
lệ hoá người cậu mà cháu yêu thương
rồi Chuyên ạ. Cậu của cháu tầm thường
lắm, tục lụy lắm... Chuyên ơi, cháu có bao giờ hình
dung ra những năm tháng, từ ngày gặp
lại và rời xa cháu ở passage Nguyễn
Huệ, cậu của cháu đã nhiều lần,
rất nhiều lần phải cúi đầu
buồn bã vì thua kém nhân gian. Cũng có những
lúc, trên con đường lưu vong hải
ngoại, cậu đã nhiều lần thức
trắng suốt đêm, hay ngồi thẫn
thờ bên bờ biển vắng vẻ suy nghĩ
về mình mà đôi mắt cậu thấm ướt
vì thất bại nhục nhằn không ? ! Cháu Chuyên,nguời cháu mà một
lần cậu đã chớm si mê, hãy tha thứ
cho cậu thêm một lần nữa, cậu cũng
vẫn phải rời xa cháu, chỉ vì cậu
không muốn hình ảnh cậu Bình toàn vẹn,
cậu Bình của tuyệt vời trong tâm tư
và tưởng tượng của cháu bị
xụp đổ. Cậu không muốn cháu
phải ngỡ ngàng, thất vọng vì mấy mươi
năm qua yêu cậu, đã nhìn cậu qua một
lăng kính với hình ảnh người cậu
tuyệt vời khi cháu nhìn thấy sự sai
lầm của cháu về cậu. Cậu của
cháu ích kỷ qúa phải không Chuyên ? Có lẽ
một ngày nào đó ( nhưng biết đến
bao giờ cháu Chuyên nhỉ ? ) khi mà cháu nhìn
thấy cậu tầm thường, cậu
tầm thường như thế nhân, cậu
sẽ gặp lại cháu, cậu sẽ hiện
nguyên hình một con người thật sư,
bình thường như hàng triệu, hàng tỷ
người đàn ông khác, khi đó cậu cháu
ta sẽ gặp lại nhau cháu ạ. Tha thứ
cho cậu nhé Chuyên, người cháu mà một
lần cậu đã chớm yêu đương ! * * *
|