
Trong những vùng có 4 mùa rõ rệt
như Nhật Bản, Bắc Mỹ, Canada, v.v., khi bước vào mùa thu là cây lá
bắt đầu thay màu như người đàn bà thay lớp trang điểm - thường rất
là sặc sở nhưng đôi lúc cũng rất “đìu hiu” tùy theo vùng địa lý và
thời tiết. Đây là một hiện tượng tư nhiên do ánh sáng mặt trời chế
ngự sinh lý của giới thực vật và được gọi là "Quang Chu tính" hay "Photoperiodism".
Khi mặt trời ngã về phía Nam của
trái đất (tức là vào thu), giờ có ánh nắng càng ngày càng ngắn hơn ở
phía Bắc bán cầu. Điều nầy làm chậm lại sự hợp thành chất
diệp-lục-tố (chlorophyll) trên lá vì biết rằng mùa sinh
trưởng sắp hết. Diệp-lục-tố như tên của nó đã nói lên, là chất có
màu lá xanh rất cần cho quá trình quang-hợp. Vì thế khi còn
diệp-lục-tố thì lá cây sẽ còn màu xanh.
Nhưng sao lá lại đổi sang màu vàng, đỏ hay nâu?
Thực ra trong lá cây còn nhiều sắc-tố hay chất có
màu (pigments) khác tùy theo giống hay loại cây.
Chất hóa học "carotenoids" là những
sắc-tố màu vàng、cà-rốt hay vàng nâu-lá-bắp thường có mặt trên lá
quanh năm. Thêm vào đó là những chất "anthocyanins" có màu đỏ
hay hồng, được tạo ra vào cuối hè trong tế bào lá của loài cây có
nhiều chất đường như là cây maple, oak, sweetgum và dogwood khi chất
đường tích lũy nhiều trên lá cây. Trong mùa sinh trưởng ấm áp như
Xuân hay Hạ, những sắc-tố nầy bị chất diệp-lục che mất. Đến khi lá
không còn chất chlorophyll thì đương nhiên chất gì bền và còn lại sẽ
nỗi bậc ra.
Nhưng tại sao lá khô và rụng không chịu ở mãi
trên cành cho ta ngắm?
Khi Thu đã vào cuối mùa, nhựa cây sẽ đặc ra làm
cho sự di chuyển trong mạch lá chậm lại. Điều nầy cần cho sự chuẩn
bị của cây trước khi mùa đông đến. Khi mạch lá bị nghẽn sự liên kết
giữa lá với cành sẽ mất đi dần. Dưới sức hút của trái đất cùng với
gió "Bấc" thổi về, lá ta rồi cũng phải buông tay để bay theo luồn
gió cuốn!
Tại sao lá Thu chỉ đẹp ở vùng nầy mà không đẹp
ở vùng khác?
Đó là yếu tố do Địa lý và giới thực vật chi
phối. Ở Bắc bán cầu, miền ôn và hàn đới thường có 4 mùa rõ rệt nên
cây lá có mùa Thu để chuẩn bị đi vào mùa Đông vì biết rằng mình
không giữ lá được trước cái lạnh làm đông đặc lá cành của mùa đông.
Riêng cho loài cây lá kim vì cây tiết ra chất sáp để bảo vệ lá nên
lá còn nằm trên cây ngay cả mùa Đông. Thường rừng có nhiều cây quảng
diệp (lá rộng) có màu sặc sở hơn rừng toàn lá kim (như thông hay
tùng).
Nếu bạn ở vùng Đông Bắc, Mid-Atlantic,
Virginia, Carolina, Midwest hay Nam Canada, tuy không có núi cao như
miền Tây Bắc, nhưng ông trời lại cho ta một cảnh Thu tuyệt vời vi
vùng nầy có nhiều rừng cây lá quảng diệp như cây red maple, silver
maple, sugar maple (hình lá quốc kỳ Canada), ash, elm, sumac,
redbuck, oak, v.v. Vùng Vermont hay New England nổi tiếng là vùng có
cảnh Thu cực kỳ quyến rũ. Đối với tôi, cái đẹp của vùng nầy có lẽ -
ngoài cái yếu tố khí hậu khắc nghiệt cùa địa lý (chỉ tương tự với
Mãn Châu TQ), là do cái yếu tố lịch-sử văn-minh đóng góp vào. Cảnh
của vùng nầy thường đi theo với những dấu tich nhân tạo như những
giáo-đường thơ mộng, những Barns (nhà trữ) củ kỹ hàng trăm năm, cầu
covered bridges (cầu che) lạ mắt, những làng mạc rãi rác trong thung
lũng nhỏ hay trên đồi xanh. Đây là một sự hài-hòa của thiên nhiên và
con người cùng cộng tác với nhau để tạo ra một bước tranh tuyệt đẹp.
Đương nhiên anh em Exryu chúng ta khó quên được
cảnh Thu ở Nhật. Cái đẹp mùa Thu ở vùng Nikko gần hồ Chuzenji hay
Okunikko, vùng Hakone và Yamanaka-ko dưới núi Phú Sĩ, vùng Kyoto gần
Arashiyama và Kinkakuji, hay vùng Shiga-kogen thực là khó tả qua lời.
Đối với con người vụn-về về lời ăn tiếng nói như tôi thường thích
ngưỡng Thu khen Thu và nhớ Thu qua ống kính máy ảnh của mình (thay
vì làm thơ như a/c Vũ Quyên, Dạ Lan , DTD, v.v.).
Ở Tokyo nếu anh em nào có dịp đi bộ trên đường
Hongo Dori trước cổng trường Todai vào mùa Thu lá đỗ, chắc còn nhớ
những chiếc lá Ichou (i.e. ginkgo - lá cây bạch quả hay cây công-tôn)
vàng ánh bay phất phới theo cơn gió cuốn. Có một buổi chiều tà gió
Thu lạnh thấm da đó, tôi đi ngang qua quán-ăn dã chiến "yatai" trước
tiệm tạp-hóa khai nghiệp từ thời Edo tên là "Yoshinoya"(?) gần nhà
ga Hongo Sanchome. Lúc đó ông bếp đang nướng những xâu yakitori (thịt
gà lụi) đỏ bỏng. Mùi thịt và mùi "Tare" ôi cha sao mà thơm quá, nó
làm cho ruột tôi sôi sục, nước dãi chảy đầy mồm. Tôi dừng chân định
mua một xâu ăn cho đã thèm nhưng rồi lại do dự vì nghĩ đến vợ hiền
và con thơ đang chờ cơm tối ở nhà. Thế rồi tôi vội vã cất bước chạy
về phía nhà ga subway dưới đường cố dằn cơn đói sau một ngày làm
việc bận rộn ở phía bên kia đường….. Rồi quá vô tình tôi dẫm lên
những chiếc lá ichou vàng khô...Ôi tội nghiệp cho lá ta! Mùa Thu đến
chi để lá phải lạc loài như thế nầy?. Xong tôi cúi xuống lượm một lá
Công-tôn vàng ánh rồi kẹp vào trong trang sách mang theo mình trước
khi thả thân vào đợt sóng người xô đẫy vào cửa nhà ga của đường xe
hầm Yamanouchi....... – Naruhodo.

|